Thủ tướng Jacinda Ardern hôm 19/1 bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức trước ngày 7/2 với lý do "không còn đủ năng lượng" để đảm đương trọng trách sau hơn 5 năm nắm quyền. Tuyên bố của bà khiến nhiều người bất ngờ sau hai nhiệm kỳ bà lãnh đạo New Zealand vượt qua nhiều sóng gió.
Thủ tướng Ardern, tên đầy đủ là Jacinda Kate Laurell Ardern, sinh ngày 26/7/1980 tại Hamilton, New Zealand. Là con thứ hai trong gia đình có hai con gái, bà Ardern đã sống những năm đầu đời ở Murupara, thị trấn nhỏ nổi tiếng là nơi hoạt động của băng đảng Maori. Chứng kiến cuộc sống của những đứa trẻ "không có đồ ăn và đi chân đất", Ardern đã quyết tâm tham gia con đường chính trị.
Cha bà là một nhân viên thực thi pháp luật. Năm 2014, khi trở thành cao ủy của chính phủ New Zealand ở đảo Niue, ông đã chuyển gia đình đến Morrinsville, phía đông nam Auckland trên Đảo Bắc của New Zealand. Bà Ardern học tiểu học và trung học tại đây, trước khi trúng tuyển Đại học Waikato năm 1999 với chuyên ngành nghiên cứu truyền thông.
Ardern đã tham gia chính trị ngay từ khi vào đại học. Năm 1999, khi mới 17 tuổi, bà gia nhập Công đảng và tham gia hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Harry Duynhoven, nghị sĩ Công đảng ở New Plymouth. Sau khi tốt nghiệp đại học, Ardern trở thành nhà nghiên cứu cho nghị sĩ Công đảng Phil Goff, người phụ nữ thứ hai giữ chức vụ cao nhất của New Zealand và là người dìu dắt bà.

Thủ tướng New Zealand Jacina Ardern tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 77 ở New York, Mỹ hồi tháng 9/2022. Ảnh: Reuters.
Năm 2008, bà Ardern được chọn làm ứng viên Công đảng cho vị trí nghị sĩ quận Waikato và gia nhập quốc hội sau đó. Ở tuổi 28, bà trở thành thành viên trẻ nhất của Hạ viện New Zealand. Ngoài làm người phát ngôn Công đảng về các vấn đề của thanh niên, bà Ardern còn được bổ nhiệm vào một số ủy ban của Hạ viện.
Năm 2011, bà Jacina Ardern cạnh tranh ghế nghị sĩ với Nikki Kaye, ngôi sao đang lên sáng giá nhất của đảng Quốc gia đối lập và thua với kết quả sít sao. Năm 2014, bà Ardern lần nữa đối đầu với Kaye và thua 600 phiếu.
Năm 2017, Ardern giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cho vị trí đại diện quận Mount Albert ở Auckland. Khi phó lãnh đạo Công đảng Annette King thông báo từ chức, Ardern được chọn làm người thay thế. Tới ngày 1/8 năm đó, Ardern được bầu làm lãnh đạo Công đảng sau khi ông Andrew Little từ chức.
Bà Ardern sau đó chạy đua vào ghế thủ tướng New Zeland, thay thế Bill English của đảng Quốc gia. Sự lạc quan, giàu năng lượng và sức thu hút của bà đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Công đảng đã tăng lên.
Bà Ardern kêu gọi giáo dục đại học miễn phí, giảm nhập cư, phi hình sự hóa hành vi phá thai và tạo ra các chương trình mới để xóa đói giảm nghèo ở trẻ em. Bà hứa hẹn tương lai "công bằng hơn" cho những người thiệt thòi.
Trong khi đó, ông English cáo buộc Ardern thiếu kinh nghiệm đối ngoại và kêu gọi cử tri cân nhắc khi bỏ phiếu cho bà.
Trong cuộc bầu cử năm 2017, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng Quốc gia nhận được 46% phiếu bầu, trong khi Công đảng là 36%. Dựa trên kết quả này, đảng Quốc gia giữ 58 ghế và Công đảng 45 ghế quốc hội, không đủ để cả hai đạt được thế đa số ngay cả khi Công đảng có thêm 7 ghế ủng hộ của đảng Xanh.
Khi các phiếu bầu đặc biệt, dành cho những người New Zealand ở nước ngoài và cử tri bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử, được kiểm đếm, Công đảng và đảng Xanh đều giành thêm một ghế từ đảng Quốc gia.
Điều này khiến đảng New Zealand Trước tiên, vốn giành được 9 ghế, trở thành bên có thể định đoạt kết quả bầu cử nếu ủng hộ Công đảng hay đảng Quốc gia. Lãnh đạo đảng New Zeland Trước tiên Winston Peters đã khiến đất nước hồi hộp trong nhiều tuần khi đàm phán với cả đảng Quốc gia và Công đảng về khả năng thành lập liên minh.
Tới ngày 19/10/2017, Peters thông báo chọn hợp tác với Công đảng. Cùng với sự ủng hộ từ đảng Xanh, Công đảng chiếm đa số trong quốc hội và bà Ardern tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 26/10/2017.
Tháng 6/2018, bà Ardern sinh con gái đầu lòng, trở thành một trong số ít nữ lãnh đạo của một quốc gia sinh con khi còn đương chức.
Nhiệm kỳ đầu của bà Ardern đã trải qua giai đoạn được gọi là "những ngày đen tối nhất" trong lịch sử New Zealand, sau hai vụ tấn công nhà thờ tháng 3/1019. Cuộc tấn công vào nhà thờ ở trung tâm Christchurch và nhà thờ ở ngoại ô Linwood đã khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.
Kẻ tấn công là một công dân Australia theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng 28 tuổi, người tuyên bố phản đối người nhập cư trên mạng xã hội ngay trước khi bắt đầu cuộc tấn công. Động cơ tấn công này đã gây chấn động tại một quốc gia nổi tiếng chào đón người nhập cư.
Thủ tướng Ardern trước đó thông báo rằng trong năm 2020, New Zealand sẽ tăng tiếp nhận người nhập cư hàng năm từ 1.000 lên 1.500. Bà chỉ trích cuộc tấn công là "khủng bố". Sau đó, bà kêu gọi thay đổi luật súng đạn của New Zealand, nhận được ủng hộ rộng rãi ở một quốc gia nơi súng đạn khá phổ biến.
Phản ứng nhân ái nhưng mạnh mẽ của bà Ardern trong vụ tấn công nhà thờ đã khiến lãnh đạo New Zealand nhận được nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới.
Vào tháng 12/2019, bà Ardern và New Zealand tiếp tục đón nhận tin dữ khi núi lửa trên đảo du lịch White hun trào, cướp đi sinh mạng của 21 người. Vào thời điểm núi lửa phun trào, 47 du khách và hướng dẫn viên đang ở trên hòn đảo không có người sinh sống. Hình ảnh bà Ardern ôm và an ủi những người tham gia chiến dịch cứu nạn đã trở nên rất nổi tiếng.

Bà Adern ôm an ủi một nữ nhân viên cứu hỏa tham gia cứu nạn trên đảo du lịch White tháng 12/2019. Ảnh: RNZ
Bất chấp những khen ngợi quốc tế về cách ứng phó với thiên tai, thảm họa của bà Adern, nhiều người New Zealand khi đó dường như chưa hài lòng với thành tích của bà trong việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và nghèo đói ở trẻ em, những vấn đề mà bà từng cam kết khắc phục.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đã làm thay đổi quan điểm của họ. Bà Ardern và chính phủ New Zealand đã thực hiện cách tiếp cận "đi sớm đón đầu", khi nhanh chóng ngừng đón khách nước ngoài tới đất nước vào giữa tháng 3, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới để đối phó với dịch. New Zealand cũng áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc khi chỉ ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.
Nền kinh tế của quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch đã bị giáng đòn mạnh. GDP giảm hơn 12% trong quý II năm 2020, mức giảm theo quý mạnh nhất trong lịch sử New Zealand.
Nhưng phản ứng mạnh mẽ của bà Adern đã mang lại kết quả ấn tượng khi New Zealand kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và triệt để. Đến tháng 8/2020, quốc gia này qua 10 ngày không ghi nhận dịch lây lan trong cộng đồng. Khi các ca nhiễm được phát hiện sau đó cùng tháng ở Auckland, cuộc bầu cử đã bị hoãn lại tới tháng 10 và quốc gia này một lần nữa áp lệnh phong tỏa. Tới lịch bầu cử 17/10 theo kế hoạch, dịch được kiểm soát với tổng số ca ghi nhận khoảng 2.000, trong đó chỉ có 25 ca tử vong. Các biện pháp hạn chế và giãn cách được gỡ bỏ.
Thủ tướng Ardern đã chèo lái đất nước vượt qua đại dịch khi kết hợp chính sách cứng rắn dựa trên khoa học và cách tiếp cận khéo léo với người dân. Những nỗ lực của bà đã được đền đáp bằng chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử với 49% phiếu bầu. Công đảng đã trở thành đảng đầu tiên có thể thành lập chính phủ đa số mà không cần các đối tác để thành lập liên minh kể từ năm 1993.
Đảng Xanh, vốn là một phần liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ardern, cũng nhận được số phiếu bầu tăng từ 6% lên 8% trong cuộc bầu cử đó. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Quốc gia giảm mạnh từ 44% năm 2017 xuống 27%.
Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, bà Ardern đã có bài phát biểu ấn tượng trước toàn thể người dân New Zealand. "Chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng phân cực, nơi mọi người ngày càng khó thấu hiểu quan điểm của nhau. Tôi hy vọng cuộc bầu cử này cho thấy ở New Zealand, chúng ta không như vậy. Chúng ta là một quốc gia có thể tranh luận nhưng cũng biết lắng nghe", bà nói.

Tấm biển kêu gọi người dân ở nhà tại Wellington, New Zealand hồi đầu tháng 4/2020. Ảnh: Guardian.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của bà và Công đảng đã suy giảm trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ hai. Tháng 12/2022, bà Adern vấp bê bối và phải xin lỗi sau khi gọi một lãnh đạo đối lập là "tên khốn" trong phiên chất vấn tại quốc hội. Tình trạng vật giá leo thang cũng là yếu tố gây áp lực lớn đối với chính quyền bà Ardern.
"Cuộc bầu cử năm 2020 hoàn toàn về Covid-19, nhưng năm 2023 sẽ là về kinh tế, lạm phát và tăng trưởng", Lara Greaves, nhà phân tích chính trị ở Auckland, nói. "Trong trường hợp của Ardern, bà ấy đã đánh cược danh tiếng vào nỗ lực chống đói nghèo và bất bình đẳng. Vì vậy, rất khó để bà ấy có thể thành công trong năm 2023 khi vấn đề bất bình đẳng đã trở nên tồi tệ hơn".
Giống như nhiều nước khác, New Zealand đang đối mặt hậu quả của đại dịch và lạm phát tăng. Nước này đã nâng tỷ giá từ tháng 10 năm ngoái, nhưng lạm phát vẫn ở mức trên 7%. Tiền lương cũng tăng, nhưng không theo kịp tốc độ lạm phát.
Lạm phát là vấn đề mà bà Ardern khó kiểm soát, nhưng giáo sư chính trị Richard Shaw của Đại học Massey cho biết chi phí sinh hoạt là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ ủng hộ dành cho bà Ardern.
Chia sẻ về lý do từ chức hôm 19/1, bà cho biết "tôi biết công việc này đòi hỏi điều gì và cũng biết tôi không còn đủ năng lượng để làm điều đó".
Thanh Tâm (Theo Britannica, NEWS)