Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chấn động khi một nhóm sĩ quan, binh sĩ quân đội tiến hành một cuộc đảo chính bất ngờ với mục đích lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 15/7. Tuy nhiên, khi nhìn vào "bản thành tích đảo chính" cũng như tình hình chính trị của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích không ngạc nhiên về diễn biến này, theo Sydney Morning Herald.
Lịch sử đảo chính
Nửa cuối thế kỷ 20, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 4 cuộc đảo chính vào các năm 1960, 1971, 1980 và 1997 để lật đổ chính phủ hoặc có những can thiệp lớn vào nền chính trị. Nhìn vào quãng thời gian khoảng 10 năm giữa các lần đảo chính, có vẻ như cuộc đảo chính lần này đã đến hơi muộn so với "nhịp độ" trong quá khứ, bình luận viên Paul McGeough nhận định.
Cuộc đảo chính năm 1960 là một thách thức việc chính quyền Thủ tướng Adnan Menderes đề nghị đàm phán với Nga trong giai đoạn căng thẳng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như con đường hướng tới tự do tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đảo chính, ông Menderes đã bị hành quyết.
Nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được khôi phục vào năm 1966, nhưng đến năm 1971, một cuộc đảo chính khác lại nổ ra. Các tướng lĩnh quân đội yêu cầu "thành lập một chính phủ mạnh mẽ và đáng tin cậy, thỏa mãn các nguyên tắc dân chủ, giúp giải quyết tình trạng vô chính phủ và thực hiện những luật cải cách được đề ra trong hiến pháp". Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là ông Suleyman Demirel buộc phải từ chức.
Sau cuộc đảo chính năm 1980, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền lực trong khoảng ba năm. Đến năm 1997, họ tiếp tục đảo chính mà không cần dùng đến sức mạnh quân sự trong tay thông qua việc ban hành một bản bị vong lục, ép tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy, ông Necmettin Erbakan, từ chức.
Theo giới phân tích, quân đội có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk là một vị tướng phục vụ trong quân đội, người đã giúp hiện đại hóa, thế tục hóa và Tây hóa Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng quy định quân đội nước này có thể can thiệp vào nội tình đất nước khi cần để giải quyết khủng hoảng. Lịch sử và những quy định như vậy khiến các lãnh đạo quân sự nước này nắm trong tay quyền lực khá lớn, ít chịu sự chi phối của các nhà lãnh đạo chính trị.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan là người không ít lần có những xích mích với quân đội. Khi còn là thủ tướng từ năm 2003 tới 2014, ông đã từng truy tố, kết án nhiều sĩ quan quân đội, buộc tư lệnh của cả ba quân chủng lục quân, không quân và hải quân từ chức cùng một lúc. Chính điều đó đã khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ luôn có tâm lý dè chừng với chính phủ, theo McGeough.
Mối quan hệ đó càng trở nên căng thẳng bởi sự thay đổi "xoành xoạch" trong chính sách đối ngoại của ông Erdogan gần đây. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ngơ để các phần tử cực đoan có thể thoải mái đi qua biên giới tham gia phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Họ cũng là một trong những khâu trung chuyển vũ khí, tiền bạc cho các nhóm phiến quân ở Syria.
Gần đây, ông Erdogan chủ trương xích lại với Mỹ và Nga, tăng cường chiến dịch tấn công IS, khiến làn sóng đánh bom tự sát của IS để trả thù nhắm vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải căng mình ra để bảo vệ đường biên giới đầy những mối đe dọa đến từ các phần tử cực đoan mà trước đây họ đã cho qua.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phong trào ly khai của người Kurd cũng đặt quân đội nước này vào vòng nguy hiểm, khi cùng một lúc phải đề phòng cả IS lẫn những cuộc tấn công đến từ dân quân người Kurd.
Nỗi bất mãn gia tăng cùng những mối đe dọa phải đối mặt hằng ngày có thể là một trong những động cơ quan trọng để các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cầm súng đảo chính, giới phân tích nhận định. Nhưng đó không phải là tất cả, bởi họ còn phải chịu một tác động khác cũng lớn không kém, đó là yếu tố chính trị đến từ phong trào Hồi giáo ngay trong lòng quân đội.
Phong trào Gulen
Ngoài yếu tố lịch sử, phong trào Gulen cung là một nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông McGeough cho hay.
Phong trào do Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo 79 tuổi sống tại thị trấn Saylorsburg, bang Pennsylvania, Mỹ, dẫn dắt. Đây là một mạng lưới Hồi giáo lớn hoạt động tại hơn 150 quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Mạng lưới này hướng dẫn thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ cách để giành vị trí trong bộ máy chính quyền, đặc biệt là tại các cơ quan tư pháp hay lực lượng cảnh sát.
Gulen tới Mỹ xin tị nạn vào năm 1999 và bị tòa án Thổ Nhĩ Kỳ xử vắng mặt với cáo buộc âm mưu chống lại nhà nước thế tục Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh hưởng cũng như nguồn lực tài chính mà tổ chức của Gulen nắm trong tay được đánh giá là "đáng gờm". Một số bằng chứng cho thấy các cộng sự của ông này còn có tác động đến cả hoạt động của lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan ngay từ đầu miễn cưỡng thừa nhận điều đó. Chính quyền của ông phải thiết lập một thỏa thuận không chính thức với phong trào Gulen. Nhờ đó, tổ chức của Gulen mới có thể thâm nhập sâu vào bộ máy chính phủ, đặc biệt là trong lực lượng cảnh sát và quân đội. Đổi lại, Gulen dùng các mối quan hệ kinh tế, chính trị của mình để tạo thuận lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Erdogan.
Nhưng ông Erdogan dần đánh mất sự tin tưởng vào Gulen. Erdogan, khi ấy là thủ tướng, tìm cách đẩy những người thuộc phong trào Gulen ra khỏi bộ máy chính quyền.
Tháng 2/2014, trong một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của hàng loạt tướng lĩnh quân đội cấp cao, ông Erdogan quyết định liệt phong trào Gulen vào danh sách những mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Họ nhất trí loại bỏ những phần tử của phong trào Gulen trong các tổ chức chính phủ.
Vài tuần sau, ông Erdogan tự nhận rằng mình quá chủ quan khi để phong trào này nắm quá nhiều quyền lực.
Trong một bài phát biểu chiến thắng sau các cuộc bầu cử chính quyền địa phương hồi tháng 3/2014, Erdogan cảnh báo rằng ông đang truy quét những người theo phong trào Gulen.
"Chúng tôi sẽ bước vào sào huyệt của họ... Họ sẽ phải trả giá", ông tuyên bố.
Giới quan sát nhận định nỗ lực này của ông Erdogan phần nào phát huy hiệu quả trong các cơ quan hành pháp và tư pháp, nhưng không thể loại bỏ được ảnh hưởng của phong trào Gulen trong quân đội. Các thành viên phong trào này có thể đã nắm được một số điểm yếu của các tướng lĩnh cấp cao, và sử dụng chúng như con bài mặc cả để đảm bảo chỗ đứng cho họ trong lực lượng vũ trang.
Lời tuyên chiến của ông Erdogan có thể đã châm ngòi cho những bất an trong hàng ngũ các sĩ quan có vị trí cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, buộc họ phải ra tay hành động, giới phân tích nhận định.
Vũ Hoàng