Ngày 12/4, TS.BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân may mắn được nhận tim của người đàn ông 50 tuổi chết não do đột quỵ ở TP HCM.
Chị gặp tình trạng khó thở nghiêm trọng trong suốt 6 tháng gần đây, đặc biệt vào ban đêm và khi gắng sức. Điều trị chỉ có thể giúp kéo dài thời gian, không thể giải quyết căn nguyên. Ghép tim là phương pháp duy nhất có thể cứu sống chị, nhưng việc chờ đợi trái tim phù hợp càng khó khăn hơn khi người phụ nữ có nhóm máu AB.
Hôm 7/3, một người đàn ông xuất huyết não diện rộng, phù não nặng do đột quỵ, được chẩn đoán chết não tại Bệnh viện Quân y 175. Ông từng có mong muốn hiến tạng cứu người nếu chẳng may qua đời, nên gia đình nén đau thương thực hiện di nguyện này.
Các thầy thuốc Bệnh viện 108 đã vào TP HCM, hỗ trợ Bệnh viện 175 thực hiện ca lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não lần đầu tiên ở viện này. Ngoài tim, hai quả thận, hai lá gan, hai giác mạc cũng được lấy cứu 7 người khác.
"Tạng tim của người cho rất tốt và hoàn toàn tương thích với người nhận", TS Hải nói, thêm rằng cả người cho và người nhận đều thuộc nhóm máu AB.
"Việc có hai bệnh nhân trùng hợp cả tuổi tác, thể trạng và nhóm máu này là rất hy hữu. Đây như món quà của tạo hóa và là duyên của cả người hiến và người nhận", bác sĩ cho biết thêm.

Kíp y bác sĩ thực hiện lấy, ghép đa tạng tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đêm cùng ngày, trái tim được các bác sĩ "hộ tống" từ TP HCM về đến Bệnh viện 108. Ca mổ diễn ra thành công, trái tim mới đập trong lồng ngực người phụ nữ. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, chức năng tim tốt. Đây là ca ghép tim thứ 4 được thực hiện tại Bệnh viện 108, đánh dấu bước tiến trong hành trình 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não tại Việt Nam.
Ngoài tim, Bệnh viện 108 cũng thực hiện ghép gan của người hiến này cho một bệnh nhân nam 67 tuổi. PGS.TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, cho biết tạng gan của người hiến được êkíp lấy tạng chia thành hai phần và được chia gan ngay từ trong cơ thể người hiến.
Cụ thể, phần thùy gan trái được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để ghép cho một cháu bé mắc bệnh gan giai đoạn cuối, còn mảnh thùy gan phải được vận chuyển về Bệnh viện 108 để thực hiện ghép cho bệnh nhân đang trong tình trạng tiền hôn mê gan do suy gan cấp. Như vậy, với một lá gan đã hồi sinh sự sống cho hai người bệnh. Ca ghép diễn ra thuận lợi, hiện tại bệnh nhân ổn định sau ghép gan.

Hai thùng bảo quản tạng tim và gan chuyển ra Bệnh viện 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ghép tạng là thành tựu y học quan trọng, không chỉ cứu sống mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép, là nước có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á (hơn 1.000 ca/năm).
Năm 2024 ghi nhận bước tiến lớn trong phong trào hiến tạng. Theo thống kê, số người đăng ký hiến tăng gấp ba lần so với các năm trước. Số lượng trường hợp chết não hiến tạng cũng tăng 173% so với năm 2023, đạt 41 ca, từ đó cứu sống 157 người trong tổng số 1.214 ca ghép được thực hiện trên toàn quốc. Đáng chú ý, tỷ lệ ghép tạng từ người chết não đã đạt gần 13%, tăng gấp ba lần so với trước đây.
Lê Nga