Hai nhà hoạt động Ekachai Hongkangwan và Bunkueanun Paothong có mặt trong đám đông vây quanh đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida đi qua cuộc biểu tình lớn gần tòa nhà chính phủ ở Bangkok hôm 14/10.
Bunkueanun cho biết trong một bài đăng trên Facebook sáng nay rằng anh đã ra trình diện với cảnh sát và bị bắt. "Tôi bị cáo buộc tìm cách làm hại Hoàng hậu", anh nói. "Tôi vô tội. Đó không phải là ý định của tôi".
Ekachai cho biết qua điện thoại rằng mình cũng bị truy tố và cảnh sát sau đó xác nhận đã bắt giam nhà hoạt động này.
Cả hai có thể đối mặt án tù chung thân theo điều luật trừng phạt bất kỳ "hành động bạo lực chống lại hoàng hậu hoặc sự tự do của bà" vốn đã không được áp dụng suốt hàng chục năm nay.
Đây là lần đầu tiên một cáo buộc nghiêm trọng như trên được đưa ra với các nhà hoạt động tham gia biểu tình, nhiều người trong họ đã đối mặt với những cáo buộc nhẹ hơn như gây rối và vi phạm quy định cấm tụ tập giữa Covid-19.
Phong trào biểu tình dâng cao ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ do Vua Vajiralongkorn đứng đầu, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Họ cũng kêu gọi bãi bỏ luật khi quân, đạo luật quy định mức án nghiêm khắc với hành vi phỉ báng hoàng gia.
Người biểu tình đã bất chấp sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập quá 4 người để tiếp tục đổ ra đường phố Bangkok hôm 15/10, yêu cầu thả hơn 20 người đang bị bắt. Khoảng 10.000 người biểu tình tới tận đêm muộn ở trung tâm thủ đô, bất chấp nỗ lực giải tán của cảnh sát.
Đối đầu với cảnh sát, họ hô vang "Trả tự do cho các bạn của chúng tôi!" và "Thủ tướng Prayut từ chức!", giơ 3 ngón tay biểu tượng ủng hộ dân chủ.
Trong số những nhà hoạt động bị bắt hôm 15/10 có Panusaya "Rung" Sithijirawattanakul, người đã phát trực tuyến vụ bắt giữ trên Facebook. Anon Numpa, một nhà hoạt động hàng đầu khác, nói anh đã bị cưỡng chế đưa đi bằng trực thăng tới Chiang Mai ở bắc Thái Lan.
Luật sư Krisadang Nutcharut cho hay Anon đã bị từ chối cho bảo lãnh và đang bị giam tại nhà tù Chiang Mai.
"Hãy tiếp tục chiến đấu! Tự do của tôi là một vấn đề rất nhỏ so với toàn bộ cuộc chiến vì dân chủ", Anon viết trên Facebook.
Lịch sử chính trị hiện đại của Thái Lan từng chứng kiến các giai đoạn bất ổn bạo lực dân sự và hơn một chục cuộc đảo chính quân sự, gần đây nhất là cuộc đảo chính đưa Thủ tướng đương nhiệm Prayuth lên nắm quyền vào năm 2014.
Nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak ở Bangkok cho rằng phong trào biểu tình có thể làm tăng khả năng Thái Lan phải đối mặt với một cuộc binh biến khác.
"Kết cục cho tương lai của Thái Lan đã được dồn nén trong nhiều năm, và cuối cùng nó đã ở đây và bây giờ," ông nói. "Một cuộc đàn áp biểu tình quyết liệt có thể diễn ra".
Anh Ngọc (Theo AFP)