Đám đông tập trung tại Ratchaprasong, một trong những giao lộ đông đúc nhất của thủ đô Bangkok, chiều 15/10 và hô lớn "Tôi không sợ hãi", "Trả tự do cho bạn bè của chúng tôi", "Thủ tướng Prayuth phải từ chức", và gọi cảnh sát là "nô lệ" của chế độ. Trước đó trong ngày, chỉ hàng trăm người xuất hiện tại giao lộ này.
"Giống như chó cùng rứt giậu, chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến chết", Panupon Jadnok, một trong những người đứng đầu cuộc biểu tình, nói với đám đông. "Chúng tôi sẽ không lùi bước, không trốn chạy. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả".
Những học sinh tham gia biểu tình dùng băng keo để che thẻ tên trên đồng phục. Một người biểu tình cầm tấm biển có nội dung: "Gửi gia đình và bạn bè, nếu tôi xảy ra chuyện gì, xin đừng trách vì tôi đã đến biểu tình, hãy trách những kẻ đã hại người".
Người biểu tình có lúc buộc một xe cảnh sát phải lùi lại và đám đông lớn đến mức tiếng hô của họ có thể được nghe thấy khắp thành phố. Người biểu tình gây tắc nghẽn ngã ba Ratchaprasong, nhiều trung tâm mua sắm trong khu vực đóng cửa sớm.
Khoảng 2.500 cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để ứng phó tình hình. Phó phát ngôn viên cảnh sát Krissana Pattanacharoen cho biết các thủ lĩnh sinh viên kêu gọi biểu tình hôm 15/10 "rõ ràng vi phạm pháp luật".
Biểu tình diễn ra sau khi chính phủ Thái Lan áp lệnh cấm tụ tập trên 4 người theo sắc lệnh khẩn cấp có hiệu lực từ sáng 15/10 để ngăn chặn biểu tình. Sau khi biện pháp khẩn cấp được công bố, cảnh sát đã giải tán hàng nghìn người biểu tình tập trung sáng nay trước văn phòng thủ tướng và bắt 22 nhà hoạt động.
Sắc lệnh khẩn cấp trao cho giới chức quyền bắt người biểu tình mà không cần chờ lệnh từ tòa án và giam tối đa 30 ngày mà không cho gặp luật sư hoặc người thân. Giới chức cũng được quyền tịch thu "thiết bị liên lạc điện tử, dữ liệu và vũ khí" bị nghi ngờ liên quan biểu tình. Các tin nhắn trực tuyến có nội dung "đe dọa an ninh quốc gia" cũng bị cấm.
Phong trào biểu tình dâng cao ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ do Vua Vajiralongkorn đứng đầu, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Họ cho rằng không cần bãi bỏ chế độ quân chủ ở Thái Lan, nhưng cần giảm bớt quyền lực của nhà vua theo hiến pháp.
Vua Vajiralongkorn, 68 tuổi, người dành phần lớn thời gian sống ở Đức, đang có chuyến trở về Thái Lan hiếm hoi nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của cha ông, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người được nhân dân tôn kính. Cung điện Hoàng gia đến nay chưa đưa ra bình luận nào về cuộc biểu tình hay yêu cầu cải cách.
Người biểu tình hôm 14/10 vây quanh đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida và Hoàng tử Dipangkorn, giơ biểu tượng ba ngón tay để thách thức. Đây là cảnh tượng chưa từng có ở Thái Lan, một quốc gia theo chế độ quân chủ và hoàng gia có uy quyền ở mọi khía cạnh xã hội. Vua Thái là người quyền lực nhất nước và được quân đội cùng các gia tộc tỷ phú hùng mạnh ủng hộ.
Người Thái bị cấm phát ngôn tiêu cực về hoàng gia và có thể đối diện 15 năm tù vì tội khi quân. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người thể hiện những hành động, lời nói phản đối hoàng gia, bất chấp luật này.
Trên thực tế, Thái Lan vẫn trong tình trạng khẩn cấp được ban bố để kiểm soát Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết sắc lệnh khẩn cấp là cần thiết "để đảm bảo hòa bình, trật tự và ngăn chặn các sự cố tiếp theo sau khi người biểu tình gây ảnh hưởng đoàn xe hoàng gia, làm trái chế độ quân chủ với ngôn ngữ khiêu khích".
Đảng Move Forward đối lập đã kêu gọi thu hồi tình trạng khẩn cấp, đồng thời nói rằng người biểu tình không cản trở đoàn xe.
Huyền Lê (Theo Guardian, Straits Times)