"Tôi không biết 'cá mập' đã bán vàng ra lúc giá 89,2 triệu đồng một lượng hay chưa. Chứ tôi thì bán lúc giá 88,7 triệu đồng một lượng rồi. Lúc giá 89,2 triệu đồng một lượng tôi không kịp bán vì lúc đó có công việc phải xử lý.
Tôi đón được giá vàng khó tăng như kỳ vọng. Bây giờ là lúc chờ thị trường đi xuống xem có giảm mạnh nữa không. Nếu về mốc 75 triệu có thể tôi mua tiếp. Còn mốc 80 triệu thì khó có lãi lắm. Những ai không phải là cá mập chỉ là nhà đầu tư non tay thì đợt này phải chịu lỗ.
Việc bốn ngân hàng chịu trách nhiệm bán vàng là để can thiệp kiềm giá vàng trong nước. Ngân hàng không mua lại là đúng nếu mua lại phải tính lời tính lãi có khi lại trở thành kinh doanh vàng làm cho thị trường lộn xộn".
Độc giả Haivy Nguyen chia sẻ mình đã 'thoát hàng' như trên, sau thông tin Hai ngày giá vàng miếng giảm gần 7 triệu đồng.
Theo đó, mỗi lượng vàng miếng SJC đến trưa 1/6 giảm 3 triệu còn 84 triệu đồng, tức mất gần 7 triệu sau hai ngày Ngân hàng Nhà nước thông báo thay đổi cách bình ổn giá.
4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường, nhưng không thu mua lại từ người dân. Người dân tới trực tiếp tại các điểm bán của họ, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay. Người mua sẽ được cung cấp hóa đơn điện tử.
Độc giả Nhớ người dưng: "Thế là 'hết thời' của vàng miếng rồi. Nếu có người mua lại, thì mua thấp hơn giá đã bán, để có lãi".
Độc giả tuta nói: "Nếu ngày 3/6, các ngân hàng bán vàng miếng sát với giá thị trường vàng miếng thế giới thì 6 triệu đồng giảm trong 2 ngày cộng thêm với chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước 18 triệu, người mua vàng trước hai ngày vừa qua sẽ bị thiệt hại 24 triệu (6 triệu giảm + 18 triệu chênh lệch với giá thế giới). Nếu người mua lúc đu đỉnh giá 90 đến 92 triệu đồng một lượng thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.