Những ngày cuối năm, Thượng Hải xuất hiện vài ca nhiễm Covid-19 mới nên buổi tối, Lê Thị Thương, 27 tuổi, không phải ở nhà một mình. Hạ Dĩ Dương, chồng cô được dạy trực tuyến. Ngồi trước màn hình với vẻ mặt nghiêm túc, nhưng giảng viên môn hình họa vẫn nắm tay vợ. Bức hình Thương đăng lên mạng xã hội hôm đầu tháng 12 khiến bạn bè đều bật cười.
"Ở trường, anh ấy nổi tiếng là thầy giáo nghiêm túc, chỉ đến khi yêu nhau, tôi mới khám phá ra vẻ tinh nghịch và 'lầy lội' của chồng", Thương kể.
Sáu năm trước, chuyện tình yêu của họ bắt đầu. Khi đó, cô gái quê Hải Dương đang là sinh viên năm nhất tại trường Đại học Kỹ thuật công trình Thượng Hải. Trong lúc xem hồ sơ tân sinh viên, thầy Hạ Dĩ Dương bật cười khi nhìn thấy bức ảnh nữ du học sinh Việt Nam. "Cô ấy rất xinh, chụp ảnh thẻ mà lại đeo nơ rồi cười toe toét. Đi du lịch Việt Nam nhiều lần nên tôi rất có thiện cảm với phụ nữ bên đó", chàng trai khi đó 32 tuổi, nhớ lại.
Anh hay thắc mắc với giảng viên khoa du học sinh tại sao không thấy Thương lên khoa. Nhưng Dương không phải đợi lâu, chỉ ít tháng sau, Thương bắt đầu học môn hình họa của thầy Dương. Cô sinh viên Việt có cảm tình với thầy vì râu quai nón, mặt chữ điền, da trắng, nhưng các bạn cảnh báo cô: "Ông thầy này ghê lắm, cho bài tập nhiều, suốt ngày đánh trượt sinh viên".
Đúng như lời đồn, sau hai tuần học, các sinh viên bị giao rất nhiều bài tập. Nhưng các bạn đều nộp bài cho lớp trưởng, riêng Thương phải nộp trực tiếp cho thầy. "Tôi cứ nghĩ là du học sinh nên được thầy quan tâm hơn một chút, không dám nghĩ anh có cảm tình với mình", Thương nhớ lại. Còn Hạ Dĩ Dương ngay từ ngày đầu gặp đã quyết chiếm được tình yêu của cô gái Việt Nam. Anh chủ động kết bạn với Thương trên Wechat.
Kết nối trên mạng xã hội, thầy Dương không nói chuyện bài vở mà gửi một tấm hình chụp hồi sang Việt Nam du lịch để khơi chuyện. Đều là hình mẫu lý tưởng của nhau, sau hơn hai tháng nhắn tin, gặp gỡ, họ thành đôi.
Cả hai giao ước sẽ hẹn hò trong bí mật. Chuyện thầy giáo và sinh viên yêu nhau không bị cấm, nhưng họ không muốn trở thành tâm điểm bàn tán và mất đi sự nghiêm túc chốn giảng đường.
Sợ lộ, đến giờ của thầy Dương, Thương lúc nào cũng cắm cúi ngồi vẽ. Miệng giảng bài, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng ánh mắt của thầy tránh nhìn về phía cô gái Việt. "Vì cứ hễ nhìn nhau là chúng tôi lại cười. Thi thoảng, anh ấy không kiềm chế được nên cố đi đến gần chỗ tôi ngồi, tủm tỉm cười rồi lại làm mặt nghiêm. Cảm giác yêu mà như làm gì xấu xa ấy", Thương kể.
Đôi trẻ thường gặp nhau vào tối thứ Bảy. Thương ở ký túc xá của trường. Một phòng có năm sinh viên cùng lớp. Vì vậy, mỗi lần đến đón bạn gái, Dĩ Dương phải đứng cách cổng ký túc xá hơn 500 mét. Cô học trò ngó trước, nhìn sau rồi mới dám lên xe của thầy giáo.
Có lần, hai người đang chuẩn bị đan tay vào nhau, thì bạn cùng lớp của Thương đi qua. Tim cô đập thình thịch. Hạ Dĩ Dương nhanh trí bảo với nữ sinh kia: "Khoa sắp có một đề mục nên cần tìm một du học sinh giúp". Nhờ vậy, bí mật được bảo toàn.
Đi ăn, đi chơi cùng nhau, Thương hay chụp ảnh để lưu giữ các khoảnh khắc lãng mạn của hai người. Cô đăng trên mạng xã hội, nhưng phải ẩn bạn bè, thầy cô. Hạ Dĩ Dương thì tuyệt đối giấu kín.
Yiran, bạn cùng phòng của Thương, người Trung Quốc, nhớ lại: "Vì du học sinh có rất nhiều hoạt động nên buổi tối Thương nói đi tham gia hoạt động tôi rất tin. Về sau tôi mới nghi nghi là vì sao hoạt động của du học sinh lại toàn vào tối thứ 7. Nhưng họ giấu kỹ quá, tôi không thể khẳng định điều gì". Về sau, các bạn biết Thương có bạn trai nên tò mò hỏi, cô chỉ cười: "Sau này sẽ rõ".
Nhưng đúng ngày kỷ niệm một năm yêu nhau, bí mật đó không còn là của hai người. Dịp ấy, Thương và thầy giáo hẹn hò ở một nhà hàng cách xa trường đại học. Nhìn kỹ xung quanh, cô gái mới dám ngồi thật gần người yêu. Đang nắm tay "thề hẹn" thì một giảng viên của trường bước vào. Cả hai giật mình, vội buông tay. Nhưng biết không thể giấu được nữa, Hạ Dĩ Dương quyết định sang bàn người đồng nghiệp "đàm phán". Rất may người này đồng ý giữ bí mật. Sau lần đó, cả hai cẩn trọng hơn nên không bị ai phát hiện.
Ở trường, cô gái Việt thường xuyên phải nghe bạn cùng lớp nói xấu người yêu. Học môn của anh suốt hai kỳ, nên nhóm của Thương hay chụm đầu kể tội ông thầy: "Ông này đúng là thâm nho. Ông ấy bảo tớ phối màu như há cảo", "Thầy này kiêu căng, ghê gớm, chẳng bao giờ mở miệng cười", "Thầy nghiêm khắc nên khó gần",... Những lúc như thế, Thương chỉ biết ngồi im nghe.
"Tôi đành tự an ủi như vậy có nghĩa anh chỉ tình cảm với người mình yêu", Thương hài hước.
Có bạn trai, cô cũng được anh hướng dẫn tận tình hơn. Nhờ vậy, kiến thức môn của Thương tiến bộ rõ rệt. Có những buổi tối, anh mở máy gọi điện cho cô chỉ để bàn về những bài tập "có vấn đề" của bạn gái. Thành tích của Thương luôn trong top 10 của lớp. Cô từng được tuyên dương trước hội đồng khoa, lên báo mạng vì học tốt.
Người yêu xinh đẹp lại năng động khiến Hạ Dĩ Dương đôi phen lo lắng. Nhiều chàng trai, trong đó có một giảng viên cùng trường cũng theo đuổi bạn gái anh. Muốn "đánh giấu chủ quyền", nhưng cũng không muốn giao ước bị phá vỡ nên anh giảng viên lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa.
"Tôi hay nổi nóng vô cớ khi anh đồng nghiệp kia có ý gì với bạn gái. Tôi còn xóa Wechat, QQ của anh này trong điện thoại cô ấy. Đến khi chọn môn học, tôi cũng đăng ký hộ người yêu để cô ấy đủ môn mà không phải học với 'đối thủ' của tôi", Hạ Dĩ Dương cười nhớ lại.
Thế nên khi "học trò" sắp kết thúc năm cuối đại học, thầy giáo Dương quyết định cầu hôn. Đám cưới lên lịch, thầy cô, bạn bè trong lớp mới biết họ yêu nhau. "Cậu và thầy ấy yêu nhau lúc thầy đang dạy lớp mình hay sau này", vài người bạn hay kể tội thầy Dương ngạc nhiên hỏi. "Là yêu từ đầu", Thương cười đáp.
"Trong nhóm hay nói xấu thầy giáo có cô ấy nên đâu ai ngờ họ yêu nhau. Đến lúc họ cưới rồi, tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên", Yiran, bạn cùng lớp của cô dâu nhớ lại.
Bốn năm trước, một đám cưới lãng mạn của cô nữ sinh Việt Nam và thầy giáo Trung Quốc đã diễn ra ở Hải Dương, quê của cô dâu. Năm 2019, họ tổ chức hôn lễ lần hai tại Thượng Hải. Khách mời dự tiệc đa phần là bạn học, giảng viên trong trường đại học nơi đôi trẻ học tập và công tác.
Hiện tại, Thương tiếp tục theo học thạc sĩ tại ngôi trường chồng cô làm việc. Có chồng là giảng viên cùng trường, cô gái Việt Nam luôn lấy đó làm động lực cố gắng học tập.
"Tôi luôn tự răn mình nhất định phải có bằng cấp đầy đủ, công việc ổn định, độc lập kinh tế, hôn nhân hạnh phúc. Rất may là giờ tôi học thạc sĩ, anh dạy đại học nên chẳng liên quan gì đến nhau khi ở trường nữa", cô gái cười nói.
Phạm Nga