Khoảng 14h37 ngày 1/4/1996, cảnh sát thành phố Spokane nhận được tin báo có vụ đánh bom tại một tòa soạn báo trong khu vực. Tới hiện trường, lực lượng chức năng thấy quả bom không gây thương vong nhưng đã phá vỡ cửa ra vào, cửa kính, và khiến tòa nhà ngập khói. Theo lời kể của nhân viên, quả bom bị vứt ở ngoài cửa sau tòa soạn.
Chỉ 11 phút sau vụ nổ thứ nhất, quả bom thứ hai phát nổ bên trong một ngân hàng cách tòa soạn 20 tòa nhà. Qua camera giám sát, cảnh sát thấy có hai người đàn ông cầm súng bước vào ngân hàng trong trang phục áo khoác cùng mũ trùm kín mặt. Sau khi cướp được 70.000 USD, một kẻ đặt bom lên quầy, lệnh cho nhân viên di tản, rồi rời khỏi hiện trường trên chiếc xe chờ bên ngoài. Rất may mắn, quả bom thứ hai cũng chỉ gây thiệt hại về tài sản.
Trước hai vụ đánh bom liên tiếp, điều tra viên nhận định quả bom thứ nhất chỉ là kế đánh lạc hướng để khiến cảnh sát không chú ý với vụ cướp ngân hàng. Tại hai hiện trường, điều tra viên còn tìm thấy bức thư hứa hẹn sẽ có thêm các hành động bạo lực khác trong tương lai, dưới thư là biểu tượng của một tổ chức cực đoan có tư tưởng chống chính phủ.
Bằng phương thức phân tích 3 chiều, điều tra viên FBI đo đạc các đồ vật xuất hiện trong video (như ô gạch, chiều cao quầy giao dịch, vị trí camera...), từ đó kết luận nghi phạm cao khoảng 1m68. Thông tin này được chuyển tới cho cảnh sát.
Ba tháng sau, trong khi cuộc truy lùng của cảnh sát diễn ra gắt gao, kẻ đánh bom tiếp tục gây án với thủ đoạn tương tự vào ngày 12/7/1996. Mục tiêu là phòng khám của tổ chức kế hoạch hóa gia đình Mỹ. Theo lời khai của nhân chứng, hai kẻ mặc áo choàng poncho ném bom ống vào cửa trước của phòng khám rồi lái xe bỏ chạy. Tuy vậy, vụ nổ không gây thiệt hại về người.
15 phút sau, ngân hàng từng bị cướp trong ngày 1/4/1996 một lần nữa lại trở thành nạn nhân. Sau khi lấy được 35.000 USD, hai tên cướp để lại quả bom xăng nặng 11 kg tại ngân hàng rồi bỏ trốn trên chiếc xe van màu trắng. Tuy nhiên, quả bom không phát nổ vì kíp nổ chế từ súng điện bị trục trặc.
Xem xét xác bom, chuyên gia nhận định quả bom tại phòng khám thể hiện rõ ý định giết người vì bên trong đã được nhét đạn ghém để tăng sức công phá. Loại đạn này thường được làm từ ắc quy xe chứa nhiều tạp chất nên sẽ có thành phần hóa học đặc trưng. Chỉ cần tìm được mẫu vật để đối chiếu, chuyên gia sẽ có thể xác định nghi phạm có sở hữu loại đạn cùng loại được dùng trong quả bom hay không.
Không phải đợi lâu, nhà chức trách sau đó nhận được tin tình báo sau khi giám đốc ngân hàng bị cướp treo thưởng 130.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm. Qua tin báo, cảnh sát được một chủ cửa hàng cho biết từng bán áo khoác giống như loại kẻ cướp đã mặc cho ba người: Charles Barbee (44 tuổi), Robert Berry (42 tuổi), and Verne Merrell (51 tuổi).
Cảnh sát thấy rằng ba nghi phạm đều có liên hệ tới tổ chức cực đoan và từng cố chiêu mộ thành viên. Đặc biệt, nhà chức trách nhận định Charles rất có khả năng là một trong hai kẻ thực hiện vụ cướp vì cũng có chiều cao 1m68.
Trong khi theo dõi nghi phạm, ngày 8/10/1996, cảnh sát thấy ba tên này xếp súng lên xe và khởi hành về phía một chi nhánh ngân hàng thuộc cùng hệ thống với chi nhánh bị cướp. Nhà chức trách mau chóng gọi điện cho nơi này và bảo họ đóng cửa.
Sau một lúc chờ đợi không có kết quả, chiếc xe van của ba nghi phạm buộc phải rời đi. Chính tại lúc chiếc xe dừng lại đổ xăng trên đường về, cảnh sát ập tới bắt giữ.
Khám nhà, cảnh sát phát hiện Verne sở hữu chiếc máy in có dấu vết khá giống với lá thư đe dọa được tìm thấy tại hiện trường. Tại nơi làm việc của Robert, nhà chức trách cũng thấy nhiều đạn ghém có thành phần hóa học tương tự như loại được dùng trong vụ đánh bom ở phòng khám. Nhưng cảnh sát vẫn cần bằng chứng chắc chắn hơn.
Trong lúc khám xét nhà của Charles, điều tra viên tìm được chiếc quần bò bị nghi là đồ nghi phạm đã mặc trong vụ cướp. Nhìn vào những vết sờn và đường chỉ trên chiếc quần, chuyên gia thấy rằng có thể dùng chi tiết này để chứng minh danh tính của tên cướp là Charles.
Đầu tiên, chuyên gia cho người có cùng dáng người như Charles mặc chiếc quần khả nghi và chụp ảnh từ góc độ giống với vị trí camera giám sát ở ngân hàng. Bằng phương pháp phân tích điểm, chuyên gia so sánh đường chỉ và vết sờn của quần xuất hiện trên hai bức ảnh. Ví dụ như ở vị trí số 5, đường chỉ của chiếc quần khả nghi bị bục ra, giống với chiếc quần của Charles. Ở vị trí số 6, phần gấu quần khả nghi có vết sờn giống như H, nét dọc bên trái gầy, nét dọc phải béo. Gấu quần của Charles cũng có dấu vết như vậy.
Qua đối chiếu và tìm được 30 điểm giống nhau giữa hai ảnh, chuyên gia FBI kết luận chiếc quần mà kẻ cướp mặc trong ảnh nhiều khả năng thuộc sở hữu của Charles.
Với chứng cứ tìm được, ba nghi phạm được đưa ra xét xử vào đầu năm 1997. Chứng cứ về chiếc quần, đạn ghém, lời khai của các nhân chứng cùng với hơn 500 đồ vật khác được trình bày trước bồi thẩm đoàn. Tuy vậy, phiên tòa bị buộc phải xét xử lại vì người ta phát hiện một bồi thẩm viên cũng có thành kiến với chỉnh phủ như ba nghi phạm và có thể không công tâm.
Cuối cùng, trong phiên xét xử lần hai, ba bị cáo đã bị bồi thẩm đoàn kết tội Đánh bom và Cướp nhà băng vào tháng 11/1997. Cả ba bị cáo đều phải lãnh án tù chung thân không ân xá.
Quốc Đạt (Theo The Spokane Review, The New York Times)