"Tôi được nhắn rằng đừng lo lắng về vấn đề đó", Lipkin, giáo sư dịch tễ học nổi tiếng tại Đại học Columbia của Mỹ, nhớ lại cuộc gọi từ nguồn tin uy tín tại Trung Quốc. Ông nói thêm rằng người này cho biết căn bệnh do một loại virus corona gây ra và có vẻ không quá dễ lây lan.
Cũng vào ngày cuối cùng của năm 2019, Maria Van Kerkhove, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận được email thông báo về đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn trong 44 bệnh nhân nhập viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. "Bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân - Trung Quốc" là tiêu đề thông báo ngày 5/1/2020 của WHO.
4 ngày sau, truyền thông Trung Quốc cho biết căn bệnh do một chủng virus corona gây ra. Đây cũng là virus gây ra đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2003, khiến gần 800 người trên thế giới thiệt mạng trước khi được kiểm soát.
Giới khoa học tỏ ra cảnh giác, nhưng không quá lo lắng. SARS từng rất đáng sợ, nhưng chỉ lây nhiễm khi người bệnh đã chuyển biến nặng. Trình tự gene của virus mới do các nhà khoa học Trung Quốc công bố cũng khá giống virus gây bệnh SARS. Stanley Perlman, nhà khoa học tại Đại học Iowa, đánh giá căn bệnh mới sẽ chỉ lây lan sau khi ca nhiễm xuất hiện triệu chứng, dự đoán mà sau này ông thừa nhận là sai lầm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3/2020 thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhân viên kế toán 41 tuổi họ Chen sống ở quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, người được coi là ca nhiễm được ghi nhận đầu tiên. "Tôi bắt đầu sốt vào ngày 16/12/2019 và không cắt cơn sốt cả ngày hôm đó", Chen nói trong cuộc phỏng vấn.
Giáo sư Lipkin hồi tháng 9 cũng nói rằng sau khi tìm hiểu, ông biết về một đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán vào quãng thời gian này.
Trung Quốc ngày 11/1/2020 ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì bệnh viêm phổi bí ẩn là một người đàn ông 61 tuổi bị viêm gan mạn tính, làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi buôn bán nhiều động vật hoang dã.
Ngày 13/1, giới chức xác nhận một ca nhiễm tại Thái Lan, trường hợp đầu tiên ngoài Trung Quốc. Một ngày sau, nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc và nhanh chóng kết luận có bằng chứng virus mới truyền từ người sang người. Ngày 23/1, Vũ Hán áp lệnh phong tỏa đầu tiên trên thế giới, nhưng hàng triệu người khi đó đã rời khỏi thành phố và tỏa ra khắp nơi.
Ngày 11/2/2020, WHO công bố tên chính thức của dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra là Covid-19, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia phát hiện ca nhiễm và giới khoa học Trung Quốc nhận thấy số người nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 7,4 ngày. Các bệnh viện tại Vũ Hán quá tải, y bác sĩ kiệt quệ, đám đông chen chúc để được điều trị giữa những tiếng than khóc.
Ngoài điểm nóng Vũ Hán, sự chú ý của thế giới khi đó còn đổ dồn vào du thuyền Diamond Princess, nơi phát hiện hàng loạt ca nhiễm và bị cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản. Các nhà khoa học sững sờ trước thực tế là những người chỉ ở trong phòng trên du thuyền và tuân thủ biện pháp chống dịch cũng nhiễm virus.
"Chúng tôi khá chắc đây là đại dịch khi chứng kiến cách virus lây lan trên tàu Diamond Princess", bác sĩ Michael Callahan, người dẫn dắt nhóm chuyên gia Mỹ điều tra tình hình trên du thuyền, cho hay. Như dự đoán của ông, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020, khi virus đã lan khắp 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 122.000 ca nhiễm và hơn 4.300 người chết.
Bước vào cuộc chiến cùng loại virus mà hệ miễn dịch chưa từng chạm trán, con người thất thế khi hiểu biết về mối đe dọa còn hạn chế. Từ những
ngày đầu, tình thế "tay không đánh giặc" buộc hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp dịch tễ truyền thống như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc,
cách ly người nhiễm, cô lập khu vực tiếp xúc người nhiễm, phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và giao thương.
Trả lời VnExpress hồi tháng 5, David Filder, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) của Mỹ, nhận định thế giới trong giai đoạn đầu từng bị kéo về cùng một vạch xuất phát khi nCoV bắt đầu hoành hành. Khi chưa quốc gia nào nghiên cứu được vaccine, tất cả phải chọn can thiệp "phi dược học" để đối phó Covid-19, bất kể đó là nước giàu hay nước nghèo.
Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của thế giới, cùng hàng loạt địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc với tổng dân số khoảng 57 triệu người trong hơn hai tháng, từ 23/1 đến 8/4/2020. Đúng hai tháng sau khi nước láng giềng phong tỏa Vũ Hán, Ấn Độ phát lệnh hạn chế đi lại với toàn bộ 1,3 tỷ dân nước này. Những biện pháp tương tự được áp dụng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa quên bài học ứng phó đại dịch SARS do virus họ hàng của nCoV gây ra.
Lúc Vũ Hán cơ bản kiểm soát tình hình nhờ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, người dân miền bắc Italy, nơi bùng phát Covid-19 đầu tiên tại châu Âu, dần thấm thía nỗi sợ dịch bệnh.
"Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen, với những trận chiến không ngừng cả ngày lẫn đêm. Từng người xấu số được đưa vào phòng cấp cứu, với những biến chứng vượt xa bệnh cúm", Daniele Macchini, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Bergamo thuộc vùng Lombardy, cho biết.
Cuộc khủng hoảng mà nhiều người coi là thảm họa dịch tễ học cũng lập tức càn quét nước Mỹ, với tâm điểm là New York. "Số ca nhiễm tăng gấp 10 lần chỉ trong một tuần", Craig Smith, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia ở thành phố New York, cho biết vào ngày 21/3/2020. "Một trong những điều chúng tôi nhận ra là các chuyên gia đã sai hầu như trong mọi dự báo. Tôi đã học cách ngừng dự đoán về đại dịch".
Phương Tây sau giai đoạn lúng túng bước đầu cũng phải vượt lên những tranh luận về quyền cá nhân và chấp nhận sống chung với phong tỏa. Italy là nước đầu tiên tại châu Âu ban bố hạn chế đi lại trên toàn quốc vào ngày 9/3/2020, chỉ cho phép người dân ra đường cho nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm hay dịch vụ y tế.
Mô hình được nhân rộng khắp thế giới với mức độ nghiêm ngặt tùy vào diễn biến dịch. Châu Á trở thành hình mẫu chống dịch nhờ tiên phong siết kiểm soát biên giới và truy vết quyết liệt chống lây nhiễm. Những nước chậm phong tỏa, để nCoV lây lan trong cộng đồng bằng niềm tin mơ hồ về "miễn dịch cộng đồng" nhanh chóng thay đổi quan điểm khi nhận ra hậu quả khó tránh: hệ thống y tế quốc gia quá tải và số ca tử vong vì Covid-19 tăng vọt.
Tương tự phần còn lại của thế giới, Mỹ nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong tỏa. Trường học, nhà hàng, văn phòng đều đóng cửa. Đường phố vắng lặng. Người dân sợ hãi đổ xô mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong vẫn không ngừng tăng. Đến cuối tháng 3/2020, Mỹ vượt Trung Quốc và Italy, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Các xe đông lạnh trở thành nhà xác dã chiến ở New York.
"Nhìn lại, chúng tôi đã hoàn toàn sai lầm khi không chuẩn bị tốt hơn", bác sĩ Lewis Kaplan, cựu chủ tịch Hiệp hội Y học Chăm sóc Tích cực của Mỹ, cho hay.
Trong cao điểm đại dịch vào tháng 4, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính khoảng 4,2 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu, sống trong tình trạng phong tỏa một phần hoặc toàn diện. Gần như toàn bộ dân số thế giới ở giai đoạn này chịu ảnh hưởng nhất định từ giãn cách xã hội.
"Tôi trở nên khiêm tốn hơn sau những năm tháng qua, bởi nhận ra rằng còn bao điều tôi không biết".
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, nói.
Hệ quả là sau một thời gian hạ nhiệt, Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng ở châu Âu, khiến giới chức tái áp đặt các biện pháp hạn chế, dù phần lớn tránh phong tỏa diện rộng. Trong khi đó tại châu Á, khu vực chống dịch tốt hơn phương Tây, người dân ngày càng mệt mỏi vì cuộc chiến dài hơi và khao khát "sổ lồng", dẫn đến làn sóng đại dịch mới.
Giữa lúc chính phủ các nước loay hoay với bài toán phong tỏa hay tái mở cửa, một mũi ứng phó khác của thế giới thắp lên hy vọng đưa nhân loại
thoát khỏi đại dịch, khi toàn cầu dốc nguồn lực tìm các biện pháp phòng ngừa, chữa trị Covid-19. Những gì khoa học thế giới đã đạt được
trong gần hai năm qua, nhằm tìm hiểu và khắc chế nCoV, là kỳ tích chưa từng có tiền lệ.
Nỗ lực nghiên cứu toàn cầu đã gặt hái nhiều thành quả xoay chuyển cục diện cuộc chiến với virus. Các nước đã phát triển những công cụ xét nghiệm phát hiện được nCoV trong vài phút, thay cho công nghệ xét nghiệm PCR đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực ban đầu.
Kho dữ liệu mở đồ sộ về thông tin di truyền của nCoV giúp thế giới có được bức tranh tổng thể và chi tiết hơn về dịch bệnh. Trong 12 tháng đầu đại dịch, thư viện trực tuyến quốc tế về y sinh PubMed thống kê hơn 74.000 bài viết khoa học liên quan Covid-19. Trong khi đó, virus Ebola được phát hiện vào năm 1976, nhưng thế giới mới có 9.700 tài liệu nghiên cứu về nó qua gần nửa thế kỷ.
"Trong lịch sử, chưa từng có đợt xoay trục nguồn lực nào diễn ra với quy mô lớn như hiện nay", chuyên gia Madhukar Pai thuộc Đại học McGill nhận định.
Bước ngoặt diễn ra cuối năm 2020 nhờ các loại vaccine Covid-19 được phát triển với tốc độ kỷ lục bằng những công nghệ khác nhau, từ virus bất hoạt đến mRNA.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Nga trở thành nước đầu tiên phê chuẩn vaccine Covid-19 với vaccine Sputnik V tự phát triển. Anh là nước phương Tây đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà, khi cấp phép hai loại vaccine Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca trong tháng 12/2020. Mỹ cũng tiếp bước với liên tiếp hai quyết định phê duyệt vaccine của Pfizer và Moderna, đều được ghi nhận đạt hiệu quả trên 90%.
Hồi tháng 10, nhân loại bổ sung thuốc điều trị Covid-19 dạng viên uống vào kho vũ khí ứng phó đại dịch. Monulpiravir, do hãng dược Merck và công ty y sinh Ridgeback của Mỹ cùng phát triển, hứa hẹn ngăn nguy cơ các triệu chứng diễn tiến nguy hiểm trong giai đoạn người bệnh mới nhiễm nCoV.
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ ngày 14/12 công bố phân tích cuối cùng về kết quả nghiên cứu giai đoạn cuối xác nhận Paxlovid, thuốc viên trị Covid-19 của hãng, đạt hiệu quả 89% giảm khả năng nhập viện và tử vong đối với người trưởng thành nguy cơ trở nặng cao nếu nhiễm nCoV.
"Điều này vốn chỉ có trong mơ", Nahid Bhadelia, giám đốc sáng lập Viện Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Mới nổi thuộc Đại học Boston của Mỹ, đánh giá.
Đảm bảo được nguồn cung vaccine và thuốc, các nước dần chuyển sang "sống chung với Covid-19" nhờ chủ động kiểm soát lây nhiễm và ca bệnh trong cộng đồng. Nhiều nước dần từ bỏ chiến lược "không Covid" và chuyển sang trạng thái bình thường mới, điển hình là Singapore và Australia.
Các thành tựu khoa học thần tốc trong hai năm qua đưa thế giới bước vào giai đoạn ứng phó mới. Chương trình tiêm chủng trở thành xương sống chiến lược chống dịch ở các nước. Trong nửa sau năm 2021, những nơi sớm đạt tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 trên toàn quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã dẫn đến một bài toán nan giải, đó là bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu.
Bức tranh đại dịch thế giới trong nửa đầu năm 2021 được chia thành hai mảng đối lập giữa nơi có và không có vaccine. Anh dỡ bỏ tất cả biện pháp chống dịch, trong đó có khuyến cáo khẩu trang từ ngày 19/7, khi hơn 87% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 68% đã tiêm đủ hai mũi.
Hồi đầu mùa hè, giữa lúc nước Mỹ dần hồi sinh nhờ vaccine, đại dịch vẫn hoành hành ở những khu vực khó tiếp cận vaccine hơn. Tại châu Phi, một
số quốc gia báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong khi giới lãnh đạo của khu vực liên tục lên án tình trạng tích trữ vaccine của các nước
giàu.
Giữa lúc Ấn Độ chìm trong hỗn loạn và tuyệt vọng bởi virus lan đến từng ngóc ngách, nhiều nước châu Á khác cũng hứng chịu làn sóng dịch tiếp
theo và mắc kẹt trong các lệnh hạn chế, xuất phát từ vấn đề thiếu hụt vaccine và tiêm chủng chậm chạp. Hồi tháng 6, khi mạng xã hội Mỹ tràn ngập
hình ảnh người dân mừng rỡ ôm hôn sau tiêm chủng, nhiều người Hàn Quốc vẫn phải lùng sục từng liều vaccine trên mạng. Tại Đông Nam Á, tính đến
ngày 14/7, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong vòng 7 ngày tăng 39%.
Trong cùng giai đoạn, những biến chủng mới xuất hiện đe dọa thành quả chống dịch của những nước đang phát triển. Sau Beta từ Nam Phi và Gamma
từ Brazil, biến chủng Delta xuất hiện tại Ấn Độ, đưa đại dịch sang giai đoạn mới đầy chết chóc, với khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng như
bệnh thủy đậu. Covid-19 không còn chủ yếu tấn công người cao tuổi và dễ tổn thương, mà gieo kinh hoàng với cả những người trẻ tuổi và khỏe
mạnh.
Làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta càn quét tại châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Trước sức ép quốc tế về bất bình đẳng, cùng lo ngại về biến chủng mới xuất hiện ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, phương Tây bắt đầu đẩy mạnh viện trợ và san sẻ vaccine.
Tình hình dịch giữa châu Á và phương Tây một lần nữa đảo ngược, khi châu Á dần bứt tốc tiêm chủng nhờ khắc phục được vấn đề nguồn cung, trong lúc giới lãnh đạo phương Tây đau đầu vì làn sóng bài vaccine. Hồi đầu tháng 10, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm chủng trên mỗi 100 dân. Ấn Độ cũng cán mốc tiêm một tỷ liều vaccine vào ngày 21/10.
Trong bối cảnh thế giới dần chấp nhận sống chung với Covid-19, dựa vào vaccine để hạn chế tỷ lệ nhập viện và tử vong, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến nỗi hoài nghi một lần nữa bao trùm tương lai. Hàng loạt kế hoạch tái mở cửa bị gác lại, các biện pháp hạn chế tại biên giới một lần nữa được siết chặt, cơn ám ảnh của công chúng ùa về, sau những gì đại dịch đã gây ra cho thế giới suốt hai năm qua.
Covid-19 đã dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng trên toàn thế giới và đặt ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế công cộng. Đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 263 triệu ca nhiễm và hơn 5,2 triệu ca tử vong. Con số chắc chắn còn tiếp tục tăng khi đại dịch đang bùng phát trở lại ở nhiều nơi, đặc biệt là châu Âu, cùng với sự xuất hiện của những biến chủng mới.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford tháng trước cho thấy ít nhất 28 triệu năm tuổi thọ của con người đã bị mất vì Covid-19. Các chuyên gia lưu ý
con số thực tế có thể còn cao hơn, vì nghiên cứu của họ không bao gồm hầu hết quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh do thiếu dữ liệu.
"Không gì khiến tôi bị sốc mạnh như đại dịch", tiến sĩ Nazrul Islam, người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ.
Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu khi hàng chục triệu việc làm bị mất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro tại Trường Kinh doanh Judge Đại học Cambridge ước tính trong vòng 5 năm kể từ năm 2020, kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 3,3 nghìn tỷ USD nếu có đà phục hồi nhanh chóng và đây là kịch bản "lạc quan nhất". Trong kịch bản tệ nhất là suy thoái kinh tế, mức tổn thất được tính toán lên đến 82 nghìn tỷ USD.
Thời điểm nhiều nước áp lệnh phong tỏa năm 2020, hàng loạt ngành nghề phải ngừng hoạt động, nhưng nhu cầu tiêu dùng cũng giảm, nên tác động của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể hiện rõ rệt.
Khi lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ, nhu cầu thế giới tăng vọt, nhưng chuỗi cung ứng vốn bị gián đoạn trong khủng hoảng không thể phục hồi tương xứng vì nhiều nguyên nhân, như thiếu lao động hay nguyên liệu thô.
Giới chuyên gia dự đoán các vấn đề của chuỗi cung ứng "sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt đẹp trở lại". Theo Tim Uy từ Moody's Analytics, đà hồi phục kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì đứt gãy chuỗi cung ứng. "Sản xuất toàn cầu sẽ bị cản trở vì giao hàng không kịp, chi phí và giá cả sẽ tăng, kết quả là tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ bị kìm hãm", ông nhấn mạnh.
"Đại dịch đã cho thấy mức độ liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tính bất ổn, dễ bị tác động của nó", bình luận viên Holly Ellyatt từ CNBC đánh giá.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 4 của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng toàn cầu, đồng thời khoét sâu phân cực chính trị tại nhiều nước, đặc biệt là ở phương Tây.
"Đại dịch đã thúc đẩy chia rẽ đảng phái ở hàng loạt quốc gia, khi các bên tranh cãi lẫn nhau về cách ứng phó tốt nhất, đồng thời tìm kiếm 'con dê tế thần' để đổ lỗi vì không thể ngăn chặn đà lây lan của virus cũng như phản ứng còn chậm chạp", báo cáo có đoạn.
Nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu dựa trên cuộc thăm dò ý kiến ở 12 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cho thấy Covid-19 đã tạo ra tình trạng chia rẽ về địa lý, thế hệ và xã hội "độc hại" trên khắp châu lục, có thể định hình nền chính trị của lục địa này trong nhiều năm tới.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là các cuộc biểu tình phản đối biện pháp phong tỏa và phong trào bài vaccine nổi lên tại một số nước châu Âu như Hà Lan, Pháp, Áo, Đức hay Bỉ.
Cách thức mà con người bị ảnh hưởng bởi đại dịch "đã tạo ra những quan điểm khác nhau ở nhiều quốc gia", Mark Leonard và Ivan Krastev, hai tác giả của nghiên cứu, nhận xét. "Những chia rẽ về sức khỏe cộng đồng, kinh tế và khái niệm về tự do có thể tồn tại lâu dài, nhưng chia rẽ lớn nhất nảy sinh chính là ở giữa các thế hệ. Những chia rẽ này có khả năng tạo ra một kỷ nguyên chính trị mới ở châu Âu".
Mặt khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như cuộc điều tra nguồn gốc virus còn tác động mạnh mẽ tới các mối quan hệ quốc tế, mà điển hình là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thời điểm Covid-19 mới bùng phát, Washington cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch và không cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí đe dọa trừng phạt, buộc nước này bồi thường thiệt hại. Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém của mình. Đến nay, mối quan hệ song phương vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt với bất kỳ nước nào kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc Covid-19 và sẵn sàng tung đòn đáp trả. Australia là một "nạn nhân" như thế.
Chính quyền Trung Quốc đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt thương mại chưa từng có tiền lệ, ngăn thông quan nhiều mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Australia. Với hành động này, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc dường như muốn gửi thông điệp cảnh báo tới các nước khác về cân nhắc thiệt hơn trong quan hệ với Bắc Kinh.
Dù vậy, một cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO vẫn được tiến hành tại Vũ Hán. Hồi tháng hai, sau 4 tuần điều tra, WHO công bố báo cáo nhưng không xác định được rõ ràng nguồn gốc của Covid-19. Báo cáo cho rằng virus có thể truyền sang người từ động vật, cần nghiên cứu thêm liệu nó có lây lan qua thực phẩm đông lạnh hay không, và khả năng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra".
Kết luận này không làm thỏa mãn những người hoài nghi, đồng thời câu trả lời của WHO về "virus bắt nguồn từ đâu" cũng thiếu rõ ràng. Những sai sót được tiết lộ sau đó như cách thành lập đội điều tra chưa hợp lý hay quyền tiếp cận dữ liệu hạn chế của các nhà khoa học trong nhóm điều tra WHO càng làm dấy lên nghi ngờ về kết quả.
WHO sau đó ra quyết định mở cuộc điều tra mới. Đây được cho là "cơ hội cuối cùng" để tìm ra nguồn gốc nCoV, song họ lại vấp phải trở ngại cũ: chính phủ Trung Quốc. Nếu không có sự chấp thuận của Bắc Kinh, cuộc truy tìm nguồn gốc Covid-19 có thể khó tìm ra lời giải cuối.
Covid-19 còn tác động nặng nề tới sức khỏe tâm thần của người dân toàn thế giới. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia và Mỹ, năm 2020 chứng kiến số trường hợp mắc rối loạn sức khỏe tâm thần tăng đáng kể, với khoảng 160 triệu ca trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cho thấy toàn cầu ghi nhận "thêm 53 triệu trường hợp mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và 76 triệu trường hợp rối loạn lo âu" vào năm ngoái, tăng hơn một phần tư, mà nguyên nhân là do đại dịch.
Mối lo mắc Covid-19 là yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất tới sức khỏe tâm thần, song không phải thứ duy nhất. Những hạn chế xã hội, gánh nặng tài chính, quá tải công việc, thông tin sai lệch hay nỗi thất vọng và buồn chán vì dịch cũng gây ra căng thẳng ảnh hưởng đến tâm lý.
Thông tin Covid-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, còn khiến tâm lý thù ghét, bài xích người gốc Á trỗi dậy ở châu Âu và Mỹ. Hàng nghìn vụ bạo lực liên quan đến thù hằn chủng tộc đã được ghi nhận. Nhiều người tin rằng đây là hậu quả từ quan điểm chống nhập cư của cựu tổng thống Donald Trump cùng việc ông miêu tả nCoV là "virus Trung Quốc", "virus Vũ Hán", hay Covid-19 là "dịch Trung Quốc".
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á năm 2020 đã tăng 149% so với năm trước.
Trong bài phát biểu đánh dấu một năm đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ, Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng các hành vi bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á là "sai trái, không phải bản chất của người Mỹ và cần phải dừng lại".
Tổ chức Stop AAPI Hate hồi tháng 8 công bố báo cáo cho thấy tình trạng thù ghét nhắm vào người gốc Á không giảm bớt ở Mỹ, với 4.548 vụ tấn công bài Á năm 2020 và 4.533 vụ năm 2021.
Dù thế giới đã hứng chịu nhiều đau thương trong hai năm qua, hiểm họa đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Một số quốc gia phải đảo ngược quyết định tái mở cửa do những biến chủng mới và tâm lý chủ quan khiến Covid-19 bùng phát trở lại. Tháng 11, loạt nước châu Âu áp đặt hàng loạt lệnh hạn chế với người chưa tiêm chủng, khởi đầu ở Áo và sau đó Đức, Italy.
Với biến chủng Omicron vừa xuất hiện, các nước một lần nữa dò dẫm điều chỉnh cách thức ứng phó phù hợp nhất trong khả năng quốc gia, nhất là khi các lệnh phong tỏa hai năm qua đã bào mòn nguồn lực xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Không như Trung Quốc tiếp tục trung thành với chiến lược "không Covid", phương Tây coi tái phong tỏa chỉ là giải pháp tình thế và tạo động lực kéo tỷ lệ tiêm chủng đến mức an toàn để tiếp tục mở cửa. Chương trình tiêm vaccine mũi tăng cường cũng được đẩy mạnh ở nhóm nước có điều kiện tiếp cận vaccine như châu Âu, Mỹ hay Israel.
Giới hoạch định chính sách cùng các nhà khoa học cảnh báo Covid-19 tiếp tục làm thế giới đau đầu trong năm 2022 và xa hơn nữa, cho đến thời điểm miễn dịch toàn cầu đủ lớn để nó trở thành bệnh đặc hữu.
"Đa số chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhiều tháng qua đã nhận định nCoV sẽ tồn tại lâu dài. Con cháu của con cháu chúng ta sẽ tiếp tục nhiễm", Paul Hunter, chuyên gia y tại Đại học Đông Anglia của Anh, đánh giá.
Tuy nhiên, giới khoa học tin đến một ngày, Covid-19 sẽ không còn là đại dịch khi số ca nhiễm không vượt tầm kiểm soát và khiến hệ thống y tế
bị quá tải.
"Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ không còn gọi nó là đại dịch vì tác động của nó đã suy yếu hoặc chúng ta đã quen với nó"
Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói với VnExpress.
"Không có định nghĩa khoa học nào về thời điểm Covid-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Các quốc gia khác nhau có thể sẽ có những cách khác nhau để nói rằng họ không còn xem Covid-19 là đại dịch".
Giới quan sát cho rằng rất khó có thể dự đoán chính xác Covid-19 sẽ diễn tiến thế nào trong tương lai, bởi nCoV vẫn tiềm ẩn những biến số khi liên tục đột biến trong quá trình lây lan. Các nhà khoa học toàn cầu vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về mức độ lây lan và độc lực của Omicron, nhưng những dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy biến chủng này có thể ít nghiêm trọng hơn Delta.
Giới chuyên gia tin rằng sẽ là "thảm họa" nếu thế giới xuất hiện một biến thể có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các loại vaccine hiện nay,
nhưng nhận định khả năng này rất khó xảy ra. Họ tin rằng vaccine vẫn là chìa khóa của thế giới trong nỗ lực thoát đại dịch.
"Đại dịch sẽ kết thúc khi chúng ta có đủ độ phủ vaccine. Tôi không nghĩ chúng ta còn con đường nào khác", Benjamin Neuman, giáo sư sinh học kiêm nhà virus học trưởng của Tổ hợp Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (GHRC) tại Đại học Texas A&M, nhận định.
Giáo sư Neuman thêm rằng tiêm chủng cho 70-100% dân số thế giới, bất kể độ tuổi, là tỷ lệ cần thiết để giúp thoát khỏi đại dịch. "Điều tương tự từng xảy ra với bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt. Nhưng đây sẽ là một thách thức", ông nói.
Gần 55% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, đồng nghĩa gần một nửa dân số toàn cầu chưa được bảo vệ. Trong khi một số nước giàu đã tiêm cho hơn 90% dân số, chỉ hơn 6% người dân ở những nước có thu nhập thấp được tiêm chủng ít nhất một liều.
"Chúng ta đừng bắt đầu nói về kết thúc của Covid-19 cho tới khi vaccine được cung cấp đủ cho tất cả những ai sẵn sàng tiêm", David Dowdy, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói tháng trước. "Vaccine ngày càng trở thành công cụ tốt nhất của chúng ta và vẫn sẽ như vậy".
Tuy nhiên, ngay cả khi thế giới đạt đủ độ phủ vaccine để thoát tình trạng đại dịch, mọi người có thể vẫn cần tiêm liều nhắc lại định kỳ để duy trì khả năng bảo vệ trước virus, theo các chuyên gia.
"Một đại dịch chưa từng có đã khiến chúng ta nhận ra những rủi ro khi có một thế giới kết nối hơn. Nhưng quay trở lại một thế giới tiền toàn
cầu hóa là điều không thể", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, chia
sẻ.
Chuyên gia Pitlo III cho rằng điều này khiến thế giới phải tập trung tăng cường các biện pháp cảnh báo sớm và phòng ngừa, để ngăn chặn nguy cơ lây lan của các bệnh truyền nhiễm mới. Ông nói thêm nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế công cộng cũng là một trong những việc quan trọng để giúp các nước giảm thiểu tổn thương trước nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
Phó giáo sư Cook nhận định đại dịch Covid-19 đã mang tới cho thế giới một bài học lớn là phải hành động nhanh trước các mối đe dọa. "Quá nhiều quốc gia trì hoãn phản ứng và kết quả là phải hứng chịu các biện pháp phong tỏa hơn mức cần thiết", ông nói.
Khi những ca "viêm phổi lạ" được báo tin với giáo sư Lipkin vào đêm giao thừa năm 2019, ít ai có thể hình dung virus sẽ nhanh chóng làm bùng phát một đại dịch toàn cầu, khiến thế giới lao đao và thay đổi nhiều như vậy.
"Covid-19 đã khiến chúng ta bất ngờ ngay từ khi nó xuất hiện. Tôi hy vọng rằng nó sẽ kết thúc, nhưng không tự tin lắm vào điều đó", giáo sư Lipkin nói. "Nó kết thúc như thế nào và liệu một đại dịch như vậy có xảy ra nữa hay không, tất cả phụ thuộc vào cách ứng phó của chúng ta".
Ngọc Anh - Danh Tâm - Tiến Hoàng