Cơm rang Dương Châu cho đến nay vẫn là món ăn có nguồn gốc gây tranh cãi. Một trong những truyền thuyết được nhiều người biết đến nhất là từ năm 1754, triều đại nhà Thanh. Tương truyền một người tên Y Bỉnh Thụ đã tạo ra món ăn. Một câu chuyện khác thì cho rằng, món ăn bắt nguồn từ vua nhà Tùy. Khi đi qua Dương Châu, ông đã truyền bá món mình yêu thích và được đặt tên là cơm rang Dương Châu. Một số tài liệu khác cho rằng món này xuất phát từ thời Xuân Thu, được những người dân chèo thuyền trên kênh đào Dương Châu ăn hàng ngày. Nó được coi là món ăn của nhà nghèo, được làm từ cơm nguội.
Dù nguồn gốc không thống nhất, đến nay cơm chiên Dương Châu đã trở thành một trong những đặc sản truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc. Tên tuổi của nó vượt ra khỏi biên giới quê nhà, và được người dân khắp thế giới biết đến, yêu thích vì ngon, rẻ. Ngày nay, món ăn phổ biến ở mọi nhà hàng Trung Quốc.
Năm 2002, Hiệp hội Ẩm thực Dương Châu đã công bố 8 thành phần chuẩn chỉ cho một đĩa cơm chiên là hải sâm, thịt gà, jambon, sò điệp, tôm, nấm, măng và đậu Hà Lan; bên cạnh trứng cùng cơm.
Tháng 10/2015, thành phố Dương Châu đã cố gắng phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới về khối lượng cơm chiên lớn nhất từng được thực hiện. Họ rang cùng lúc 4,6 tấn cơm. Nhưng sau đó, các giám khảo đã tước bỏ kỷ lục này vì thức ăn bị đánh giá là không hợp vệ sinh, và một phần cơm chiên được đưa đến trại nuôi lợn.
Một món cơm rang khác cũng nổi tiếng không kém là pilaf - được biết đến rộng rãi tại các quốc gia Trung Á. Tại Azerbaijan có một câu nói nổi tiếng nhắc đến pilaf là "A dish worthy of a king (tạm dịch: món ăn đẳng cấp). Nó được biết đến là món cơm rang thập cẩm truyền thống, kết hợp các nguyên liệu địa phương. Giá món ăn này trong các nhà hàng địa phương từ 120.000 đồng/suất, theoTrip Advisor.
Pilaf được người dân địa phương yêu thích, là món chính trong các bữa tiệc cưới, tiệc tối hay Novruz Bayram (lễ hội đón năm mới). Trình độ nấu ăn của phụ nữ quốc gia này phần lớn dựa vào khả năng nấu pilaf ngon hay dở. Một trong phiên bản đơn giản, dễ làm nhất là cơm thập cẩm gà.
Nguyên liệu nấu gồm gạo basmati, bơ (hoặc mỡ lợn, dầu), hạt dẻ, mơ khô, mận chua khô, chà là, nho khô, gà rút xương cắt nhỏ, hành tây, nghệ tây, muối và tiêu. Thời gian nấu món này khoảng 90 phút. Đầu tiên, họsẽ mang gạo đi vo sạch, ngâm với nước muối ấm. Basmati là loại gạo trắng, dài, có mùi thơm giống lá dứa. Trong lúc đợi gạo ngấm nước, họsẽ xào hạt dẻ, mơ, mận và chà là, nho khô.
Cho bơ hoặc mỡ lợn tan trong chảo lớn dưới nhiệt độ trung bình, rồi cho hành tây, gà vào xào. Đổ gạo đã vo sạch, thêm nước luộc gà có hòa muối, gia vị vào đảo đều rồi đóng nắp, đun nhỏ lửa. Nước trong nồi cạn, đầu bếp sẽ cho một miếng bơ lên trên, di đều trên mặt gạo cho đến khi tan chảy. Lúc này, xếp lên trên các loại quả như hạt dẻ, mơ, mận, chà là... và thưởng thức.
Vỏ bánh phủ lên trên cơm được gọi là lavash, là những lát bánh chiên mỏng làm từ bột mì trộn lòng đỏ trứng, có thể thêm sữa chua và nước nghệ tây. Người ta thường rải lớp bánh này lên đĩa trước, sau đó để cơm lên trên. Món ăn thường được phục vụ cùng rau xanh, ăn kèm sữa chua trộn cùng tỏi giã nhỏ.
Một biến thể khác là pilaf sabzi, hay cơm thập cẩm cừu. Các gia vị dùng để nấu món này gồm me chua, rau mùi, bạc hà, thì là, tỏi tây, cần tây, nước ép nho hoặc chanh (thay cho me), nghệ tây, muối, hạt tiêu. Cách làm sabzi cũng tương tự như món cơm gà.
Một trong những nhà hàng phục vụ món này ngon tại Azerbaijan, được nhiều thực khách và trang web chuyên về du lịch nhưLonely Planetca ngợi là Shirvanshah Museum Restaurant, Sahil, Sumalk (ảnh), Shah Restaurant, Firuze Restaurant.
Anh Minh tổng hợp