Chiều 28/11, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho hay tổ điều tra của Cục đã tháo hộp đen máy bay và ghi âm buồng lái để kiểm tra hội thoại giữa phi công và đài chỉ huy. Dữ liệu từ camera trên sân đỗ được thu thập.
Ông Thắng đánh giá việc hai máy bay va chạm là sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) trong 5 mức sự cố hàng không (cao nhất là tai nạn - mức A, thứ hai là nghiêm trọng - mức B). Đây là "sự cố hy hữu, đầu tiên tại Việt Nam", trên thế giới từng xảy ra một số vụ tương tự.
Cùng ngày, Cảng vụ hàng không miền Bắc tạm giữ chứng chỉ hành nghề của nhân viên đánh tín hiệu máy bay số hiệu VN-A544 - người có vai trò lai dắt máy bay vào vị trí đỗ. Theo quy định, khi đỗ, phi công điều khiển máy bay di chuyển theo huấn lệnh của đài chỉ huy và phối hợp với nhân viên đánh tín hiệu.
Theo ông Thắng, qua xác minh ban đầu, va chạm xảy ra do lỗi của phi công. Tuy nhiên, những người liên quan cũng bị xem xét.
Phi công chính của máy bay số hiệu VN-A544 là người Việt, trên 50 tuổi, có nhiều kinh nghiệm; phi công phụ người nước ngoài.
Tối 27/11, máy bay A321, số hiệu VN-A544 của Vietjet Air, từ Đà Lạt hạ cánh xuống Nội Bài lúc 18h09. Khi từ đường lăn vào vị trí 52C tại sân đỗ, máy bay đã va chạm đầu mút cánh với máy bay số hiệu VN-A636 cùng hãng, đang đỗ tại vị trí 52D.
Hậu quả, hai máy bay đều hư hỏng nặng đầu mút cánh. Một miếng đầu mút cánh của máy bay đang đỗ bị gẫy, rơi xuống đất.
Ngay sau sự việc, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã lập biên bản, tạm giữ bằng lái của phi công. Vietjet đã đình chỉ toàn bộ tổ lái, rà soát quy trình khai thác và phục vụ điều tra sự cố theo yêu cầu của nhà chức trách.