Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng nay tiến hành dồn dập hai đợt tấn công bằng tên lửa vào căn cứ Ain al-Asad và Irbil của Iraq, nơi có lực lượng Mỹ đồn trú. Truyền thông Iran sau đó công bố các hình ảnh cho thấy nhiều tên lửa đồng loạt khai hỏa, làm rực sáng bầu trời.
Truyền thông Iran cho biết IRGC đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 cho đợt tập kích căn cứ Ain al-Asad, trong khi hình ảnh hiện trường tại Irbil cho thấy các mảnh vỡ dường như của tên lửa Qiam-1. Đây là hai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn chủ lực trong biên chế IRGC, từng nhiều lần được Iran sử dụng để không kích mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
Fateh-110 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn, biến thể đầu tiên được biên chế từ năm 2002 và liên tục nâng cấp cho đến nay. Tên lửa Fateh-110 thế hệ 4 có tầm bắn khoảng 300 km và tốc độ 3.700 km/h. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, định vị vệ tinh và đầu dò quang - điện tử, cho phép đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 3 m.
Fateh-110 sử dụng ba loại xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) khác nhau, trong đó biến thể mới nhất có thể chở hai quả đạn trên một xe. Tên lửa dài 9 m, đường kính 0,6 m và nặng 3,5 tấn.
Iran hồi năm 2016 ra mắt biến thể mới nhất của dòng Fateh mang tên Zolfaghar. Tên lửa có tầm bắn 700 km, hình dáng và kích cỡ giống Fateh-110 nhưng có hệ thống dẫn đường hoàn toàn mới, sử dụng đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm với khối lượng tối đa 450 kg. Loại tên lửa này từng được Iran dùng để tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria ít nhất hai lần vào năm 2017 và 2018.
Tehran hồi tháng 8/2019 cũng thử nghiệm biến thể diệt hạm mang tên Fateh-110 Mod 3. Quả đạn có hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dò quang điện tử để bám bắt tàu chiến khi lao xuống. Quân đội Iran từng hai lần thử thành công loại vũ khí này, đánh trúng mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương ở khoảng cách 250 km.
Qiam-1 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu lỏng, được Iran tự phát triển từ dòng Shahab-2 và ứng dụng thiết kế tên lửa Hwasong-6 của Triều Tiên. Loại tên lửa này được đưa vào biên chế năm 2017, có thể phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, trong đó có cả hầm ngầm bí mật trải khắp lãnh thổ Iran.
Mỗi quả đạn dài 11,5 m, đường kính 0,9 m và nặng hơn 6 tấn. Tên lửa Qiam-1 có tầm bắn 800 km và đánh trúng được mục tiêu trong vòng tròn bán kính 10 m. Chúng có thể mang đầu nổ mảnh hoặc đạn chùm nặng 750 kg, thậm chí là cả đầu đạn hạt nhân.
Iran đã loại bỏ một số cánh lái trên bản gốc tên lửa Hwasong-6 của Triều Tiên khi phát triển Qiam-1, nhằm giảm diện tích phản xạ radar và khối lượng của quả đạn. Điều này cho phép tăng tầm bắn hoặc khối lượng đầu đạn, cũng như bảo đảm khả năng cơ động tốt hơn của Qiam-1 trong khi bay.
Tên lửa cũng dùng thiết kế đầu đạn tách rời, cho phép tách bỏ phần thân đã đốt hết nhiên liệu, tránh gây ảnh hưởng tới đường bay khi trở lại khí quyển và tăng độ chính xác.
IRGC sở hữu kho tên lửa khổng lồ, có thể bao trùm nhiều mục tiêu gồm các căn cứ quân sự Mỹ và các thành phố, trung tâm công nghiệp lớn của đồng minh Washington ở Trung Đông. Đây được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ và đồng minh trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau vụ Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc IRGC.
Vũ Anh (Theo Drive)