Trong thần thoại Hy Lạp, nhà sáng chế thiên tài Daedalus đã tạo ra đôi cánh để ông và con trai Icarus thoát khỏi mê cung giam cầm họ. Daedalus cảnh báo con trai không bay quá gần Mặt Trời, nhưng Icarus quá tự mãn và đã làm trái lời. Daedalus sống sót, còn Icarus bị cháy đôi cánh và chết khi rơi xuống đất.
Khi đề ra kế hoạch tham vọng: để Tesla mua lại công ty SolarCity trị giá 2,6 tỷ USD năm 2016, Elon Musk đã gọi nó là "Dự án Icarus". Đây là một trong những chi tiết được công bố khi Musk bảo vệ vai trò của chính ông trước tòa án ở thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ.
"Ông có nhận ra đây chính là hành động bay quá gần Mặt Trời không? Liệu đây có phải cú ngã của Icarus không", Randall Baron, luật sư của bên nguyên đơn, nói với tỷ phú Mỹ.
Musk cho biết ông hiểu điều đó, nhưng coi đây chỉ là cái tên hài hước chứ không phải dự đoán rằng thương vụ này sẽ gặp nhiều phản đối. "Đáng ra phải gọi nó là Dự án Daedalus", tỷ phú Mỹ cho hay.
Một số cổ đông Tesla đã kiện Elon Musk và các thành viên hội đồng quản trị, cáo buộc rằng thương vụ năm 2016 chỉ mang ý nghĩa vỏ bọc của một gói cứu trợ cho SolarCity, nhất là khi công ty này do em trai Musk vận hành và ông cũng là một cổ đông. Nhóm này cũng cáo buộc thương vụ đã "làm giàu không chính đáng" cho gia đình Musk và các cổ đông lớn nhất của SolarCity, đồng thời cho rằng việc mua bán không được tiết lộ chi tiết và gây thiệt hại cho họ.
Với Musk, phiên tòa cũng buộc ông đánh cược nhiều thứ, đồng thời cho thấy năng lực lãnh đạo và tầm nhìn của ông chủ Tesla. Nó sẽ thể hiện Musk là Daedalus, thiên tài sáng tạo, hay Icarus, người coi thường rủi ro và lao vào thảm họa.
Câu trả lời không chỉ có ý nghĩa với Musk. Ông đang điều hành Tesla và SpaceX, hai công ty phát triển những sản phẩm liên quan trực tiếp đến mạng sống con người. Cả hai đã thúc đẩy ranh giới của những thứ được coi là khả thi và an toàn.
Giống đôi cánh của Daedalus, công nghệ tự lái trên xe Tesla và các nhiệm vụ không gian có con người của SpaceX đòi hỏi niềm tin tuyệt đối vào công nghệ, cũng như đặt người sử dụng vào những mối đe dọa hoàn toàn mới. Câu hỏi về độ tin cậy của Elon Musk chính là câu hỏi mang tính sống còn với nhiều người.
Một trong những khoảnh khắc đáng chú ý nhất là phiên tòa đã xoay quanh câu hỏi ám ảnh sự nghiệp của Musk từ lâu: "Liệu ông là người có tầm nhìn vượt thời đại hay chỉ là kẻ trục lợi? Ông là một thiên tài bán hàng hay chỉ là kẻ thích trêu đùa thị trường?".
Tỷ phú giàu thứ hai thế giới hoàn toàn có khả năng giải quyết vụ kiện này ngoài tòa. Năm ngoái, các thành viên trong hội đồng quản trị Tesla nằm trong danh sách bị khởi kiện đã đồng ý thỏa thuận dàn xếp trị giá 60 triệu USD với nhóm cổ đông. Musk là người duy nhất từ chối và quyết định đưa vụ việc ra tòa.
Elon Musk dành hai ngày ở tòa án để bảo vệ danh tiếng của mình, đối đầu với luật sư - người tìm mọi cách để cho thấy ông là một kẻ lừa đảo, trong khi các tỷ phú như Richard Branson và Jeff Bezos chuẩn bị bay lên vũ trụ.
Cái giá phải trả của Musk là mọi hồ sơ liên quan đến ông đều bị soi xét, đi kèm những câu hỏi về năng lực lãnh đạo. Musk cũng tự gây khó cho mình khi gọi luật sư Baron là "con người xấu xa", đồng thời cho biết ông thích dành thời gian cho thiết kế và chế tạo sản phẩm thay vì làm CEO của Tesla.
Những cuộc đối đầu giữa Musk và Baron cũng cho thấy cách tỷ phú Mỹ tự nhìn vào bản thân, cũng như cách ông biện bạch cho các hành động khiến người khác khó hiểu hoặc lo ngại. Ví dụ, tại sao Musk thường xuyên đưa ra những lời hứa phi thực tế, liệu điều đó là chìa khóa dẫn đến thành công hay chỉ khiến ông trở thành người gian dối?
Baron đề cập đến kế hoạch "mái nhà pin Mặt Trời" của Musk. Ý tưởng này được ông chủ Tesla đề xuất năm 2016, một phần nhằm ủng hộ thỏa thuận mua Solarcity, đồng thời khẳng định nó có thể được triển khai rộng khắp ngay trong năm 2017, dù đây mới chỉ là ý tưởng chưa đưa vào thử nghiệm. 5 năm sau, "mái nhà pin Mặt Trời" vẫn chưa được sản xuất hàng loạt, dù Musk chưa từ bỏ nó.
"Tôi có thói quen lạc quan với thời gian biểu. Nếu không làm như vậy, tôi không nghĩ mình sẽ mở một công ty sản xuất xe điện và một công ty chế tạo tên lửa", Musk nói.
"Đó không phải lạc quan. Đó hoàn toàn là sai trái", Baron đáp trả.
Vậy Musk là người lạc quan hay kẻ nói dối? Thực tế có thể kết hợp giữa cả hai yếu tố. Tỷ phú Mỹ không thể hoàn thành dự đoán về mái nhà pin Mặt Trời trong năm 2017, xe tự lái hoàn toàn vào năm 2018 và hơn một triệu taxi tự lái được triển khai trong năm 2020. Tuy nhiên, nhiều tham vọng hão huyền đã thúc đẩy các công ty của ông đạt các thành tựu mà ít người nghĩ tới, từ mở đầu cuộc cách mạng xe điện đến tiên phong thương mại hóa hoạt động thám hiểm không gian.
Những dòng tweet và phát biểu khác người của Musk cũng cần được nhìn nhận hai chiều, từ việc ông tự phong mình là "vua công nghệ" đến nộp đơn xin bán súng phun lửa và đặt tên con là X Æ A-12. Đây có thể coi là dấu hiệu của một người chưa trưởng thành và không thể tự kiểm soát bản thân, nhưng cũng được coi là cách thể hiện của một chuyên gia marketing khéo léo.
Trong những khủng hoảng mà Musk từng đối mặt, vụ kiện của các cổ đông khó lòng khiến ông thiệt hại. Nó không thể ngăn giá trị cổ phiếu Tesla liên tục tăng mạnh, trong khi Musk vẫn thể hiện rằng năng lượng Mặt Trời là canh bạc có khả năng thành công về dài hạn với Tesla. Ngay cả việc thua trong vụ kiện cũng không ảnh hưởng nhiều đến tài sản cá nhân của Musk.
Tuy nhiên, dường như Musk đã quên một điểm then chốt trong câu truyện về Daedalus và Icarus. Daedalus thoát khỏi mê cung và sống sót, nhưng luôn bị ám ảnh về cái chết của con trai.
Elon Musk đã tiến rất xa, vượt qua mọi hình mẫu trong thế giới kinh doanh hiện đại, nhưng không phải tài xế Tesla nào cũng may mắn và thoát khỏi những tai nạn chết người liên quan đến dòng xe này. Khi ngày càng nhiều người phụ thuộc vào công nghệ của các công ty do Musk điều hành, cách tiếp cận của ông sẽ gây ra ngày càng nhiều lo ngại về mức độ an toàn và ưu tiên của tỷ phú Mỹ trong phát triển sản phẩm.
Điệp Anh (Theo Washington Post)