Đầu thập niên 1990, kỹ sư hàng không Burt Rutan tự đặt thử thách cho bản thân là thiết kế máy bay vũ trụ. Ông cho rằng hành trình sẽ cho cảm giác giống như lái máy bay thay vì trải nghiệm mạo hiểm hơn khi phóng bằng tên lửa và hạ cánh bằng dù. Kết quả từ những nỗ lực của Rutan là phương tiện mang tên SpaceShipOne. Rutan lấy cảm hứng từ máy bay thí nghiệm ở độ cao lớn X-15 do các phi công thử nghiệm lái vào thập niên 1950 và 1960.
Ngày 21/6/2004, máy bay của Rutan tạo cột mốc lịch sử, thực hiện chuyến bay vào không gian có người lái đầu tiên với nguồn vốn tư nhân. Chiếc máy bay dài 8,5 m bắt đầu hành trình từ đường băng ở sa mạc Mojave của California, nằm bên dưới "máy bay mẹ" tên White Knight. Ở độ cao 14 km, SpaceShipOne tách ra và lập tức kích hoạt động cơ tên lửa. Phương tiện chở phi công Mike Melvill bay thẳng tới độ cao hơn 100 km, ranh giới chính thức của vũ trụ.
Melvill trải nghiệm trạng thái không trọng lực trước khi phương tiện quay trở lại khí quyển. Trên đường hạ cánh, SpaceShipOne thay đổi hình dáng như kế hoạch để tăng lực cản trong khi vẫn duy trì độ cân bằng. Đây là hệ thống xoay cánh quạt theo chiều gió thổi. Sau vài chuyến bay thành công khác, phương tiện được trao giải thưởng X-Prize trị giá 10 triệu USD do doanh nhân Pete Diamandis thành lập để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch vũ trụ.
Công chúng được mời tới tham quan chuyến bay, nhưng họ không phải những người duy nhất ấn tượng với thành tích của phương tiện. Sir Richard Branson, người sáng lập tập đoàn Virgin, cũng quan tâm và dự định đầu tư lớn vào chiếc máy bay cùng với công nghệ đi kèm. Tháng 9/2004, Sir Richard thông báo ông sẽ cung cấp những chuyến bay thương mại vào vũ trụ, sử dụng phương tiện thiết kế dựa trên SpaceShipOne. Tại một hội thảo ở London, doanh nhân người Anh cho biết một ghế trên máy bay Virgin Galactic mới sẽ có giá 200.000 USD.
Không lâu sau thông báo, Rutan và Sir Richard thành lập The Spaceship Company để sở hữu công nghệ do công ty Scaled Composites của Rutan phát triển cho thương vụ du lịch vũ trụ của Virgin Galactic. Tại thời điểm đó, Virgin lên kế hoạch chở người vào vũ trụ năm 2007. Nhưng tàu tên lửa mà công ty sử dụng sẽ cao cấp hơn SpaceShipOne. Sir Richard muốn chở 8 người cùng lúc, bao gồm 6 hành khách và hai phi công trong những chuyến bay cận quỹ đạo.
Yêu cầu trên đòi hỏi tàu tên lửa của Virgin phải lớn hơn nhiều bản tiền nhiệm, kéo theo thay đổi với máy bay vận chuyển White Knight. Các kỹ sư cũng phải phát triển motor tên lửa mạnh hơn để phóng tàu tới rìa vũ trụ. Tháng 9/2006, hai năm sau hội thảo ở London để thông báo về Virgin Galactic, Sir Richard công bố mô hình cabin của SpaceShipTwo ở New York.
Theo Virgin Galactic, những đặc điểm như cửa sổ sẽ cung cấp cho hành khách tầm nhìn toàn cảnh các ngôi sao ở trên cao và Trái Đất ở phía dưới. Công ty giải thích hành khách trả phí có thể cởi đai an toàn và nhào lộn trong môi trường vi trọng lực. Nhưng không phải mọi thứ đều diễn ra theo đúng kỳ vọng.
Tháng 7/2007, thảm kịch xảy ra khi 3 nhân viên của Scaled Composites thiệt mạng và 3 người khác bị thương nặng trong một vụ nổ khi đang kiểm tra các bộ phận của motor tên lửa dành cho SpaceShipTwo. Sau tai nạn, Scaled Composites giao việc phát triển motor cho một công ty khác là Sierra Nevada Corporation.
Motor tên lửa của phương tiện được thiết kế để sử dụng nhiên liệu rắn chứa cao su mang tên HTPB và oxit nitơ lỏng làm chất oxy hóa (hóa chất giúp đốt cháy nhiên liệu). Thiết kế với động cơ đẩy ở nhiều trạng thái khác nhau, trong trường hợp này rắn và lỏng, được gọi là motor tên lửa lai. Hệ thống cần duy trì cháy ổn định trong ít nhất một phút.
Tàu SpaceShipTwo đầu tiên, gọi là VSS Enterprise, bắt đầu chương trình thử nghiệm năm 2020. Phương tiện trải qua hàng loạt kiểm tra trên mặt đất, tiếp theo là bay dưới máy bay vận chuyển White Knight II, nhưng không được thả ra. Sau đó, tháng 10 cùng năm, phương tiện lần đầu tiên được thả giữa không trung bởi máy bay vận chuẩn và chao liệng hạ cánh an toàn tại cảng hàng không vũ trụ Mojave.
Chuyến bay sử dụng động cơ đầu tiên của VSS Enterprise là tháng 4/2013. Dưới sự cầm lái của Mark Stucky và đồng nghiệp Mike Alsbury, phương tiện đạt tốc độ siêu thanh phía trên sa mạc Mojave. Tuy nhiên, Virgin Galactic không hài lòng với rung động từ nguyên mẫu động cơ. Năm 2014, công ty ngừng hợp tác với Sierra Nevada và tự phát triển tên lửa. Họ cũng thông báo sẽ thay đổi nhiên liệu tên lửa sang loại chứa nhựa có tên thermoplastic polyamide.
Tháng 10/2014, VSS Enterprise cất cánh từ cảng hàng không vũ trụ Mojave trong chuyến bay thử nghiệm thứ 55. Phương tiện phải chạy thử loại nhiên liệu mới. Nhưng 11 giây sau khi thả từ máy bay vận chuyển, VSS Enterprise nổ tung. Phi công phụ Mike Alsbury tử vong trong khi phi công chính Pete Siebold sống sót với những vết thương nặng. Khi máy bay vỡ thành nhiều mảnh, Siebold tháo đai an toàn. Dù Siebold bất tỉnh giữa không trung, dù của anh tự động bung ra giúp anh hạ cánh an toàn xuống sa mạc.
Kết quả điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) kết luận một trong những thiết bị hạ cánh của VSS Enterprise hoạt động sớm khiến phương tiện bị nổ. Sau tai nạn, Sir Richard hứa với các phóng viên nếu có thể vượt qua vấn đề này, ông chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện giấc mơ. Máy bay vũ trụ thứ hai của Virgin Galactic ra mắt vào tháng 2/2016. Tên gọi VSS Unity của nó do chính nhà vật lý người Anh, Stephen Hawking, lựa chọn.
Dù tai nạn chết người không liên quan tới động cơ, Unity sử dụng nhiên liệu ban đầu là HTPB. Sau nhiều lần chao liệng và bay bằng động cơ, Unity bay tới rìa vũ trụ lần đầu tiên vào ngày 13/12/2018, vượt qua mốc 80 km mà một số tổ chức công nhận.
Cuối cùng, Sir Richard đích thân bay trên VSS Unity cuối tuần trước. Tuy nhiên, ranh giới được công nhận nhiều nhất giữa vũ trụ và Trái Đất là đường Karman, cách mặt đất 100 km. Đây là cột mốc được ghi nhận bởi Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI), đơn vị lưu giữ kỷ lục về du hành vũ trụ.
Đối thủ của Sir Richard trong ngành du lịch không gian là nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đang thu hút vốn đầu tư dựa trên điểm khác biệt. Tàu New Shepard của công ty Blue Origin có thể chở khách tới phía trên đường Karman. Tuy nhiên, có rất ít khác biệt về trải nghiệm khách hàng giữa hai công ty. Hành khách vẫn trải nghiệm môi trường không trọng lực và trôi nổi tự do khi ngắm cảnh.
An Khang (Theo Yahoo)