Cuộc tấn công bằng xe tải của một phần tử cực đoan ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Nice, Pháp, khiến 84 người thiệt mạng là vụ khủng bố đẫm máu thứ ba mà nước Pháp phải hứng chịu trong chưa đầy hai năm qua. Theo giới phân tích, nước Pháp chứa đựng những yếu tố "thu hút" sự chú ý của chủ nghĩa khủng bố, biến quốc gia này thành "tâm chấn" của châu Âu.
Mục tiêu lớn
Trả lời phỏng vấn News.com.au, Neil Fergus, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tổng giám đốc tổ chức tư vấn Intelligent Risks, cho rằng nước Pháp là một mục tiêu lớn cho các cuộc tấn công thảm sát của IS bởi vì quốc gia này "là một biểu tượng của tự do, bình đẳng và các giá trị xã hội".
"Thủ đô Paris nói riêng và nước Pháp nói chung là trái tim trong học thuyết phẩm giá phương Tây", ông nói. "Những kẻ khủng bố không thích điều đó. Chúng cũng căm ghét châu Âu, và Pháp được coi là tâm điểm của lục địa".
Ngay từ năm 1995, Nhóm Hồi giáo Vũ trang (GIA) có nguồn gốc từ Algeria đã thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống tàu điện ngầm của Pháp. Giờ đây, với sự trỗi dậy của IS và các tổ chức cực đoan khác, nước Pháp đang hứng chịu những cuộc tấn công từ những kẻ lớn lên trên đất nước này, hoặc những phần tử cực đoan nước ngoài thâm nhập để gây ra thương vong lớn nhất.
Vài ngày trước khi diễn ra vụ khủng bố bằng xe tải ở Nice, một quan chức cấp cao của cảnh sát Pháp cảnh báo rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tìm cách gia tăng khả năng giết người bằng xe hơi gài mìn và bom.
Pháp ngày càng trở nên cảnh giác với những âm mưu khủng bố và hiện tượng cực đoan hóa ở quê nhà, theo một báo cáo mới đây của Dự án Chống Cực đoan hóa. Pháp khẳng định họ có trong tay một trong những hệ thống an ninh tốt nhất thế giới, với những chiến dịch an ninh quy mô lớn được tiến hành tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế để ngăn chặn phần tử khủng bố xâm nhập.
"Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ quân đội phối hợp với cảnh sát quốc gia bảo vệ các điểm tập trung đông người, các đầu mối giao thông, danh lam thắng cảnh", ông Fergus cho biết. Tuy nhiên, khả năng hợp tác với nhau giữa các cơ quan an ninh chống khủng bố lại là một điểm yếu của Pháp mà các phần tử cực đoan có thể lợi dụng để khai thác.
Một báo cáo mới đây của cơ quan tình báo nội địa DGSI cho thấy nước Pháp vẫn có vô số những lỗ hổng về tình báo, khiến lực lượng an ninh để lọt những phần tử gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khiến tổng cộng 147 người thiệt mạng.
Báo cáo chỉ rõ, ngoài những hạn chế về khả năng giám sát tình báo đối với các đối tượng tình nghi, các cơ quan an ninh Pháp còn thể hiện sự chồng chéo, kèn cựa lẫn nhau, khiến các chiến dịch chống khủng bố không phát huy hiệu quả cao nhất. Trong vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan ở Paris, khi cảnh sát đặc nhiệm ngỏ ý mượn súng trường của quân đội để tấn công khủng bố, các binh sĩ Pháp đã từ chối thẳng thừng.
Những công dân hạng hai
Nghi phạm gây ra vụ tấn công bằng xe tải ở Nice là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, công dân Pháp gốc Tunisia. Bouhlel 31 tuổi, theo đạo Hồi, có tiền án tiền sự với tội danh sở hữu vũ khí và hành vi bạo lực, nhưng chưa bao giờ lọt vào danh sách đối tượng bị cực đoan hóa của lực lượng tình báo, an ninh Pháp.
Theo các chuyên gia phân tích, Bouhlel, cũng như nhiều nghi phạm khủng bố khác trước đây, đều có gốc gác ở nước ngoài, tới Pháp định cư qua nhiều thế hệ, nhưng không hoàn toàn hòa nhập được với xã hội bản địa và luôn bị coi như những công dân hạng hai.
"Ở Pháp có những cộng đồng người Bắc Phi rất lớn. Họ tuy là công dân của Pháp, nhưng lại bị gạt sang bên lề của xã hội", Robert Baer, cựu đặc vụ CIA, nói với CNN. "Tôi từng đi học ở Pháp, rồi làm việc ở đó, và nhận thấy rằng những người Bắc Phi này hoàn toàn bị tách khỏi xã hội bản địa".
Theo Baer, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau vụ khủng bố ở Paris, khi các ông chủ dò xét hồ sơ và không chấp nhận những người có nguồn gốc từ Bắc Phi. Trên tàu hỏa hay xe bus, những người có vẻ ngoài giống người Arab thường xuyên bị cảnh sát chặn lại, xét hỏi giấy tờ.
"Người Pháp quả thực rất quyết liệt trong những việc như vậy, hậu quả là tình trạng cực đoan hóa trong cộng đồng người có nguồn gốc Bắc Phi không hề giảm bớt, mà còn tăng lên", Baer nói.
Tom Fuentes, cựu trợ lý giám đốc FBI, từng tham gia ban điều hành Interpol, nói rằng chủ nghĩa khủng bố sản sinh tại quê nhà đang là một nỗi lo ngại lớn của nước Pháp.
"Nhiều thế hệ người Morocco, Algeria, Libya, Tunisia… tới Pháp sinh sống qua nhiều thế hệ, con cái, cháu chắt của họ đều sinh ra ở Pháp và mang quốc tịch Pháp, nhưng họ vẫn không tự coi mình là người Pháp", Fuentes nói.
Theo ông, những người nhập cư lâu đời này sống trong những khu vực chật chội giữa đô thị đông đúc của nước Pháp, chỉ giao lưu, tiếp xúc với nhau và không được chấp nhận hòa mình vào cộng đồng chung.
Quan hệ giữa nước Pháp và cộng đồng nhập cư gốc Bắc Phi đặc biệt căng thẳng ở các vùng ngoại ô Paris và các thành phố lớn, nơi có nhiều người Hồi giáo và các gia đình có nguồn gốc Arab và vùng hạ Sahara sinh sống, theo NYTimes. Năm 2005 và 2007, các cuộc bạo động đã nổ ra tại các khu vực này vì nỗi bất bình ngày càng lớn của họ đối với tình trạng bất công về kinh tế và xã hội.
Hậu quả là trong 10 năm qua, ngày càng nhiều thanh niên Pháp gốc Bắc Phi đã rời bỏ đất nước, đi theo tiếng gọi của Hồi giáo cực đoan, khiến chính phủ Pháp càng phải cảnh giác, trong khi các phong trào cực hữu bài Hồi giáo và di cư như Mặt trận Quốc gia trỗi dậy.
Ở các vùng ngoại ô Pháp, sức hấp dẫn của Hồi giáo cực đoan trở thành một hình thức của "phong trào thanh niên", theo giáo sư Olivier Roy, chuyên gia về Hồi giáo chính trị tại Đại học châu Âu. "Nước Pháp có những vấn đề lớn với tầng lớp thanh niên bị coi là công dân hạng hai và không có cơ hội thực sự nào", Roy nói. "Nhiều người trong số họ bắt đầu phạm tội vặt, nhưng cũng có nhiều người tìm đến Hồi giáo cực đoan như một cuộc đời mới để thỏa mãn lòng tự tôn".
"Các vụ tấn công khủng bố đều chứa đựng nguy cơ về hiệu ứng bắt chước. Chúng ta coi thủ phạm tấn công khủng bố là kẻ xấu, nhưng trong cộng đồng những người bị coi là công dân hạng hai, kẻ xấu đó có thể được ca ngợi như anh hùng", chuyên gia này nhấn mạnh.
Xem thêm: Nỗi sợ của người Pháp sau vụ khủng bố Paris
Trí Dũng