Năm 2022, Việt Nam trở thành quốc gia có đông sinh viên du học New Zealand nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, bậc học được ưa thích nhất là Trung học, theo ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực châu Á của Cơ quan Giáo dục New Zealand.
Từ năm 2017 đến 2019, số du học sinh phổ thông người Việt tăng trưởng kỷ lục - 80%. Con số này đang trên đà hồi phục sau khi New Zealand mở cửa biên giới hồi tháng 8 năm ngoái.
Theo ông Ben, New Zealand có chương trình giáo dục quốc gia (NCEA) với các môn cốt lõi như STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Ngoài ra, học sinh có thể tự chọn các môn phù hợp với năng lực và đam mê cá nhân.
Với chương trình này, học sinh phổ thông tự tạo ra lộ trình học tập phù hợp. Cộng với môi trường học tập cởi mở, coi trọng sự tương tác hai chiều, các em được khuyến khích và tăng cường khả năng suy nghĩ độc lập.
"Chúng tôi cung cấp các môn học cốt lõi, nhưng đồng thời cho học sinh quyền tự quyết và đưa ra quyết định của riêng", ông Ben nói, đánh giá đây là điểm thu hút phụ huynh Việt Nam.
Bậc trung học ở New Zealand còn được phụ huynh Việt quan tâm bởi môi trường an toàn với học sinh, sinh viên quốc tế.
Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand, cho hay đây là quốc gia đầu tiên có Bộ quy chế Bảo trợ và Chăm sóc du học sinh. Theo đó, các trường học phải tuân thủ nhiều yêu cầu để đảm bảo du học sinh có chỗ ở an toàn và được chăm sóc tận tình.
Chẳng hạn, du học sinh dưới 18 tuổi không được phép ở một mình hay trong ký túc xá mà bắt buộc ở với homestay parents hoặc homestay family (ở trọ nhà dân).
Từng 16 năm sống và là host (chủ nhà) cho sinh viên quốc tế ở New Zealand, chị Liên Trịnh, cho biết các trường có trách nhiệm tìm nơi ở cho học sinh quốc tế. Tại thành phố Wellington, nơi chị Liên sống, các trường thường ưu tiên chọn gia đình của giáo viên, nhân viên làm host.
"Các trường nghĩ rằng ở trong các gia đình về học thuật, học sinh sẽ được khích lệ để học đại học sau này", chị Liên chia sẻ tại Ngày hội du học New Zealand hồi giữa tháng 10.
Theo chị Liên, trường gửi bảng hỏi và lọc rất kỹ hồ sơ của các gia đình. Chủ nhà phải liệt kê cụ thể số người, quốc tịch, thói quen nấu nướng, ăn uống của gia đình; các tiện nghi như máy hút ẩm, lò sưởi; hay có ai hút thuốc lá hay không.
"Họ rất kỹ lưỡng, đến tận nơi gặp chủ nhà, vào xem xét từng phòng, thậm chí bật nước nóng... Trường phỏng vấn rất lâu, hỏi về thói quen sinh hoạt, xem nhà có gần chợ, bến xe buýt không nữa", chị Liên kể.
Việc này sẽ được kiểm tra 3-4 lần trước khi trường đưa một gia đình nào đó vào danh sách đợi đón học sinh quốc tế. Sau đó, trường họp với các gia đình này để hướng dẫn cách hỗ trợ cho học sinh.
Vế phía học sinh, gia đình các em sẽ thông qua trung tâm tư vấn du học để làm việc với trường. Danh sách chủ nhà phù hợp với quốc tịch, tính cách, trình độ tiếng Anh rồi gửi hồ sơ cho phụ huynh lựa chọn.
Ngoài ra, các trường rất chú trọng đến sức khỏe tâm thần, tinh thần của học sinh. Ngoài ăn uống, giấc ngủ, điều kiện phòng ốc, du học sinh sẽ được hỗ trợ về giao tiếp, văn hóa... để hòa nhập, vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Nhiều bạn du học từ cuối năm cấp 2, tuổi thay đổi về tâm sinh lý, không được ở gần bố mẹ nên chủ nhà phải có trách nhiệm", chị Liên nói.
Chất lượng giáo dục và môi trường an toàn là lý do khiến chị Nguyễn Thị Trang, quận Hà Đông, quyết định cho con gái học cấp ba ở New Zealand. Con gái chị hiện học lớp 12, trường Middleton Grange, ở thành phố Christchurch.
Trước khi sang New Zealand, chị và con gửi tới trường mong muốn tìm chủ nhà có sân vườn và nuôi thú cưng. Cuối cùng, chị cho con đến ở nhà một giáo viên trong trường. Chị thường xuyên trao đổi thông tin và tình hình của con với host qua email, whatsApp, hay messenger. Sau chuyến sang New Zealand cách đây vài tháng, chị Trang càng thêm yên tâm.
Theo chị, chủ nhà gần gũi và tâm lý, thường rủ con đi chơi cùng vào những dịp lễ. Họ còn tổ chức sinh nhật và mua đồ cho con. Những vấn đề trong học tập hay tâm lý mà con gặp phải, họ đều nắm bắt được và trò chuyện, chia sẻ.
"Bà chủ nhà còn chuẩn bị đồ ăn sáng, tối hoặc mua sẵn những nguyên liệu nấu các món Việt Nam để con đỡ nhớ nhà", chị Trang nói.
Bình Minh