Nhìn một cách bao quát thì việc dạy thêm và học thêm diễn ra khá phổ biến ở các nước châu Á. Tôi có trải nghiệm dạy học ở Việt Nam và Nhật Bản nên chia sẻ đôi điều liên quan tới vấn đề này.
Nguyên nhân gốc rễ
Khi nhìn vào chương trình học từ mầm non cho đến chương trình phổ thông trung học ở Việt Nam, có thể nhận thấy một điểm chung đó là nền giáo dục lấy việc đánh giá năng lực học tập của học sinh làm trung tâm.
Bên cạnh nền giáo dục xem người thầy là trung tâm thì đây cũng là một triết lý giáo dục được xem là truyền thống của hầu hết các nền giáo dục trên thế giới. Chương trình học và mọi hoạt động giáo dục diễn ra để tập trung chủ yếu vào việc thi cử.
Sự chuyển tiếp giữa các cấp học từ thấp lên cao cũng chỉ dựa vào điểm thi mà hầu như bỏ qua các tiêu chí khác như thái độ học tập, định hướng học tập, nghiên cứu. Giống Việt Nam ở việc vẫn duy trì các kỳ thi chuẩn hoá (standardized tests), nền giáo dục của Nhật Bản vẫn còn nặng tính thi cử mặc dù họ có rất nhiều nỗ lực giảm bớt.
>> Những đứa trẻ thiếu sáng tạo vì giáo dục 'thị trường'
Hiện tại, có rất ít các kỳ thi diễn ra ở cấp tiểu học (học sinh lớp 1 và 2 thì không đánh giá thông qua điểm số). Tuy nhiên, giáo dục Nhật Bản lấy học sinh và nội dung làm trung tâm do đó họ có xu hướng chú trọng vào sự phát triển cá nhân và sự tuyền đạt được kiến thức quan trọng mà các nhà giáo dục cho rằng qua trọng với học trò.
Điểm khác biệt
Có lẽ từ chính việc xem trọng các kỳ thi dẫn đến sự phát triển nở rộ của việc dạy thêm và học thêm. Trong khi giáo viên ở Việt Nam có thể nhận học trò để dạy thêm thì ở Nhật Bản, giáo viên sẽ gặp rất nhiều rắc rối nếu họ nhận chính học trò trong trường để dạy thêm.
Thứ nhất, không chỉ trong ngành sư phạm mà hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, giáo viên không "kinh doanh sân sau" khi họ vẫn là người trong một tổ chức. Nó liên quan tới đạo đức nghề nghiệp và những quy định nội bộ trong các trường học.
Thứ hai, phụ huynh người Nhật cũng có xu hướng sẽ không gửi con cái của mình cho chính những giáo viên dạy con mình ở trường. Lý do đơn giản là họ không muốn trả thêm tiền để học lại hoặc tương tự những gì học trò được học ở trường. Dĩ nhiên, giáo viên phải thể hiện hết năng lực của họ khi họ nhận một công việc nào đó.
Có lẽ sẽ có một số người nghĩ rằng giáo viên người Nhật được trả lương cao nên họ không cần dựa vào dạy thêm. Điều này nên cần xét lại bởi vì thu nhập của giáo viên ở đây thấp hơn thu nhập bình quân của các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, cũng giống Việt Nam, nghề giáo là nghề được người Nhật xem trọng mặc dù họ không có ngày nhà giáo được tổ chức đặc biệt như ở Việt Nam.
>> Trẻ em Nhật khổ trước, sướng sau
Như vậy các trung tâm dạy kèm ở Nhật Bản diễn ra như thế nào? Những trung tâm này thường được hiểu là các trung tâm giáo dục ngoài giờ (dạy sau giờ học chính khoá hoặc vào cuối tuần).
Có một điều mà có lẽ mọi người ít để ý đến là chức năng "giữ trẻ" của những trung tâm này bởi vì phụ huynh ở Nhật Bản thường đi làm về muộn nên họ thường sẽ cho con họ học tiếp thứ gì đó sau thời gian học chính khoá. Một điều nữa đó là các kỹ năng được học trò Nhật thường chọn để học thêm rất đa dạng: học vẽ, học khiêu vũ, học thể dục thể thao, học nhạc và học luyện thi.
Những trung tâm này thường có giáo viên cơ hữu chứ không dựa vào nguồn giáo viên ở các trường học. Cũng có thể có những giáo viên nhận những công việc bán thời gian ở các trung tâm này, nhưng phần lớn họ sẽ ưu tiên những công việc của gia đình sau một ngày làm việc.
Ce Phan
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.