Đại học Quốc gia TP HCM hồi cuối tháng 12/2023 cho biết năm nay sẽ thí điểm cho học sinh THPT giỏi vượt trội trong cả nước học trước một số tín chỉ của đại học. Dự kiến, học sinh học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ.
Cách đây 6 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội từng triển khai chương trình này, áp dụng với các trường chuyên trực thuộc, sau đó mở rộng cho học sinh trường chuyên cả nước. Các em được đăng ký từ học kỳ II lớp 11, nếu đạt loại giỏi trở lên ở học kỳ trước đó. Kết quả học tập được bảo lưu, học sinh được miễn tín chỉ nếu sau này trúng tuyển vào các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến nay, gần 50 học sinh trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học tự nhiên đăng ký theo học, đều ở Hà Nội.
Các nhà giáo cho rằng việc này phổ biến ở nhiều nước, giúp học sinh trải nghiệm nghề nghiệp, lấy bằng đại học sớm 1-2 năm, tiết kiệm nguồn lực cho gia đình và xã hội.
Đầu tiên, theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, học sinh sẽ biết điểm khác biệt giữa phổ thông và đại học, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng, tư duy, phương pháp học. Điều này giúp các em có sự chuẩn bị, không bỡ ngỡ khi chuyển tiếp. Trải nghiệm đó cũng giúp học sinh xác định ngành học phù hợp, giảm xác suất chọn nhầm ngành, nghề.
"Lâu nay vẫn có nhiều học sinh giỏi ở phổ thông nhưng tụt lại khi vào đại học vì không biết phương pháp học hoặc thi lại vì chọn nhầm nghề", TS Hạ lý giải.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, đánh giá với cách này, gia đình và xã hội sẽ rút ngắn thời gian, công sức đầu tư cho những cá nhân xuất sắc.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể sớm tuyển được những lao động có tài và những cá nhân này cũng sớm đóng góp cho xã hội.
"Nước ta đang thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, nếu rề rà, chờ đủ nhân lực theo trình tự tuyến tính thì phải chờ đến bao giờ? Ngoài việc mở rộng đào tạo, chúng ta cần nghĩ ra những cơ chế để tìm ra những con người đầy đủ tố chất trong thời gian ngắn nhất", PGS.TS Phúc ví dụ.
PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, cũng chia sẻ ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt được theo học từ 13-14 tuổi, thậm chí nhỏ hơn, đến 16-18 tuổi là tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Ông nhìn nhận hai đại học quốc gia của Việt Nam phải mạnh dạn triển khai vì đã được tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nếu không sẽ không có đột phá.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nói phụ huynh có con theo chương trình này ở trường rất hài lòng, học sinh hào hứng, chăm chỉ, không có nhiều mối lo nên tập trung học và tiến bộ rất nhanh.
Đến nay, có học sinh của trường đã tích lũy được 30/130 tín chỉ đại học. Với tiến độ hiện tại, em này có thể tốt nghiệp đại học trong 2 năm.
"Những học sinh đăng ký theo cơ chế này có thể tạm gọi là 'nhân tài nở sớm', cần được học vượt để tránh kìm hãm sự phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt để thế hệ trẻ đóng góp nhiều hơn cho đất nước", ông Liệu nhìn nhận.
Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, ông Liệu cho rằng cần sàng lọc học sinh. Ví dụ, một học sinh chuyên Văn định theo ngành Báo chí ở đại học, có kết quả học tập tốt, biết cân đối thời gian thì mới nên học trước. Ngược lại, việc tích lũy trước tín chỉ đại học có thể lợi bất cập hại, gây áp lực, lãng phí thời gian của học sinh và gia đình.
PGS Trần Thiên Phúc cũng cho rằng các trường nên đặt ra điều kiện để giới hạn diện tham gia, tránh việc học trước chương trình đại học trở thành trào lưu.
Ngoài ra, trường đại học phải tính toán công nhận tín chỉ lẫn nhau để thuận lợi cho học sinh.
Lệ Nguyễn - Dương Tâm