Những ngày này nhiều gia đình làm nông ở huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên..., tranh thủ vào rừng, khu vực đồi núi hái lá đủng đỉnh đem bán lại cho những ai có nhu cầu làm cây nêu. Đây là dịch vụ thường nở rộ trước ngày 23 tháng chạp, kết thúc ngày 29 đến 30 Tết Nguyên đán hàng năm.
Anh Nguyễn Văn Thành (36 tuổi, trú huyện Can Lộc) cho biết, trước kia đủng đỉnh trồng rải rác tại vườn nhà dân, song sau đó bị phá bỏ để xây dựng nông thôn mới, hiện cây mọc nhiều ở bìa rừng. Một tuần qua, anh mang theo dao, dây buộc, bì tải đi hái lá từ lúc 6h, trở về lúc đầu giờ trưa.
"Một bó lá đủng đỉnh nặng 2 kg bán giá từ 200.000 đến 250.000 đồng. Hôm 18/12 âm lịch đến nay, mỗi ngày tôi hái được khoảng 10 kg, đưa ra chợ huyện hoặc đứng dọc đường liên xã, tỉnh lộ bán, thu hơn một triệu đồng", anh Thành nói.
Lá đủng đỉnh sau khi mua về được chia ra từng nhúm nhỏ, quấn vào cây tre cao 10-15 m để tạo thành cây nêu, đem dựng trước cổng nhà. Để làm một cây nêu, chi phí mua lá, trang trí bóng nháy, cờ tổ quốc... hết hơn một triệu đồng.
"Cây nêu có ý nghĩa để xua đuổi tà ma, mang lại may mắn cho năm mới. Lá đủng đỉnh theo quan niệm có thể xua đuổi tà ma, nên khi dựng nêu không thể thiếu", anh Thành nói và cho hay, ngày hạ nêu là mùng 7 tháng Giêng.
Theo chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên), hái lá đủng đỉnh bán là nghề thời vụ dịp Tết, công việc này phải bỏ ra nhiều sức, đi bộ nhiều tiếng trong rừng. Quả của cây khá độc, nếu hái nhầm, mủ chảy trúng tay sẽ gây ngứa, đỏ ửng, rất khó chịu.
"Năm nay nhu cầu làm cây nêu phổ biến, lá đủng đỉnh hái về đều được thu mua hết. Nếu may mắn, một gia đình có thể hái được hơn 20 kg lá mỗi ngày, thu nhập hơn 2 triệu đồng", chị Thu nói.
Đủng đỉnh còn gọi là cây móc hay đồng đình, xuất hiện khắp cả nước ở vùng đồi núi. Cây có thân hình trụ, mọc thành bụi, đâm chồi từ gốc, phiến lá hình tam giác lệnh, bìa trên có răng cưa nhỏ. Quả hình cầu, đường kính 1-1,5 cm, vỏ nhẵn.