Ngày 28/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết Bắc Kinh và Moscow sắp tổ chức cuộc tập trận hải quân chung "tại vùng biển và vùng trời thích hợp" ở Biển Đông.
Tuyên bố mập mờ này khiến các nhà phân tích thế giới phải đặt câu hỏi cuộc tập trận cụ thể sẽ diễn ra chính xác ở đâu trong một vùng biển tương đối nhạy cảm như vậy. Vị trí diễn ra cuộc tập trận sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá ý nghĩa của động thái quân sự này đối với tình hình an ninh khu vực, theo VOA.
Bình luận viên Shannon Tiezzi của Diplomat nhận định rằng với tư cách là bên đề xuất cuộc tập trận, Trung Quốc có thể đưa ra hai kịch bản tập trận với ý đồ hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất, Bắc Kinh có thể thể hiện thái độ mềm mỏng, tránh gây tâm lý phẫn nộ của các nước láng giềng bằng cách tổ chức tập trận cùng Nga ở vùng biển ngoài khơi gần đảo Hải Nam, khu vực không phải là vùng tranh chấp, nơi nước này đã xây dựng các căn cứ quân sự và nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quân sự đơn phương.
Tuy nhiên, trong kịch bản thứ hai, nếu cuộc tập trận chung được tiến hành xa hơn về phía nam, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và sử dụng một số đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc vừa bồi đắp ở đó, đây sẽ là dấu hiệu đáng báo động đối với cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh gần đây đã tăng cường cải tạo, xây dựng các hải cảng, trạm radar và đường băng quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Hành động này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích và phản đối từ Mỹ và các láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ bất ngờ ở Biển Đông.
Theo Tiezzi, trong trường hợp Trung Quốc muốn tổ chức tập trận chung gần các quần đảo tranh chấp như Trường Sa hay Hoàng Sa, khả năng Nga đồng ý hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Gần đây, Bắc Kinh liên tục khoe khoang rằng Moscow ủng hộ lập trường của họ về Biển Đông. Trong tháng 4, Xinhua loan tin rằng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "chỉ trích một số chính quyền trong khu vực muốn quốc tế hóa những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc". Động thái này được cho là nhằm khuyến khích các quốc gia tiến hành đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều kêu gọi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình.
Lựa chọn của Nga
Theo bà Tiezzi, nếu Nga tỏ ra quá nghiêng về phía Trung Quốc, thì các đối tác ở Đông Nam Á, khu vực mà Moscow gần đây dành sự quan tâm lớn trong chiến lược hợp tác quốc tế, chắc chắn sẽ tỏ thái độ bất bình. Điều này là vô cùng bất lợi, trong bối cảnh Nga đang nỗ lực phục hồi vai trò cường quốc đích thực trên trường quốc tế, đồng thời phải chống lại sự cô lập của châu Âu.
Moscow cũng đang phải đối mặt với áp lực phải duy trì tốt quan hệ với Bắc Kinh, vì hai bên đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, tiến hành những cuộc diễn tập chung ở Địa Trung Hải, Biển Đen và biển Hoa Đông năm 2015.
Cả Nga và Trung Quốc hiện nay đều có một mục tiêu chung là ngăn cản Mỹ giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu mà không có đối trọng. Chính vì thế, Nga mới bày tỏ quan tâm đến lợi ích của mình ở Biển Đông, một khu vực mà Moscow không xem là trọng yếu đối với an ninh của nước này.
Bà Tiezzi cho rằng phản ứng của Nga đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay tương tự như những gì Bắc Kinh đã làm khi Moscow tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
"Lúc đó Trung Quốc không thực sự đồng ý với động thái này, bởi theo quan điểm của Bắc Kinh, việc ủng hộ một vùng lãnh thổ ly khai sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với thực trạng của nước này. Tuy nhiên, đây không phải là lợi ích sống còn của Bắc Kinh và giới lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng sẽ được lợi nhiều hơn nếu bảy tỏ ủng hộ Nga", Tiezzi đánh giá.
Dựa trên các phân tích lợi hại, chuyên gia này đánh giá rằng giải pháp tốt nhất đối với cả Nga lẫn Trung Quốc hiện nay là tổ chức tập trận tại vùng biển không có tranh chấp gần đảo Hải Nam.
"Điều đó có thể cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng hai nước vẫn tập trận ở Biển Đông, trong khi Nga có thể khẳng định mình vẫn tôn trọng luật pháp quốc tế khi tham gia vào một hoạt động diễn tập tại vùng biển không có tranh chấp", Tiezzi khẳng định.
Xem thêm: Người Nga bất an vì làn sóng đổ bộ của nông dân Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng
‘