Sáng 4/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan của 2 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 552 triệu USD, sau điều chỉnh là 886 triệu USD (tăng lên hơn 330 triệu).
Hiện dự án hoàn thành 90% khối lượng xây lắp. Tất cả trụ cầu, dầm và 12 ga cơ bản xong, đang hoàn thiện nội thất. Có 4/12 ga hoàn thiện nội thất. Khu Depot hoàn thành 10/14 hạng mục kết cấu bê tông và kết cấu thép, đang thử tải tàu trên đường ray. "Công việc còn lại không còn nhiều, chủ yếu là giao thông kết nối thang lên xuống và lắp các trang thiết bị cho khu vực nhà ga”, ông Đông nói.
Đối với dự án đường sắt Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Thứ trưởng Giao thông cho hay, dự án được Chính phủ Pháp, cơ quan phát triển Pháp AFD, Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng đầu tư châu Âu tài trợ, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 33.000 tỷ đồng. Tiến độ dự án này đạt 30%, dự kiến hoàn thành tổng thể vào năm 2021. Vướng mắc hiện nay là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là phần công trình ngầm tại 4 ga Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Trần Hưng Đạo.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, làm gia tăng ô nhiễm. Chính phủ đã làm việc với Hà Nội, TP HCM, ra thông điệp quyết liệt xử lý vấn đề ách tắc giao thông, trước mắt là tổ chức giao thông tốt hơn, giảm phương tiện cá nhân đi vào khu vực ùn tắc. Về dài hạn, địa phương phải được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, có nhiều phương thức vận tải hợp lý và hệ thống đường tránh, đường vành đai phù hợp.
“Ví dụ Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài theo quy hoạch tầm nhìn tới 2050 là 305 km, trong đó bình quân 100-150 triệu USD/km đường sắt đô thị ở Hà Nội thì chúng ta tốn xấp xỉ 40 tỷ USD”, Phó thủ tướng dẫn chứng.
Đánh giá về 2 dự án đường sắt đô thị, Phó thủ tướng cho rằng cả hai dự án đều chậm so với tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến giảm ùn tắc giao thông Hà Nội. Nguyên nhân được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là quản lý đầu tư bằng hình thức thầu trọn gói còn thiếu kinh nghiệm; giai đoạn đầu quản lý dự án còn rất hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội khó khăn; vốn đầu tư thay đổi...
Ông Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, khó khăn thì các bộ cùng phối hợp để giải quyết trong thẩm quyền, vượt quá thì báo cáo Thủ tướng quyết định. Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn trong thi công, hạn chế thấp nhất tai nạn.
“Đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng là công trình văn hóa, hoàn thiện phải đẹp, như công trình 4-5 sao chứ không chỉ đơn thuần là nhà ga”, ông Dũng yêu cầu.
Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu 550 triệu USD bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC. Tuy nhiên, sau đó vốn được điều chỉnh tăng, nâng tổng mức đầu tư thêm hơn 300 triệu USD. Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại. Với chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Sau hai lần tăng giá, đến nay dự án có tổng mức đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành có thể phải lùi đến sau năm 2021. |
Võ Hải