Báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 11/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói dù đã kéo dài thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020, dự án cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu nhưng không đáp ứng yêu cầu; còn dự án Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất chuyển hai dự án này từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước. "Việc sớm hoàn thành hai dự án sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các tuyến cao tốc lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư", ông Thể nói.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo, đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì dự án cao tốc Bắc Nam phía Nam hiện đã chậm so với dự kiến hoàn thành năm 2021. Hơn nữa, hai dự án nêu trên có nhu cầu vận tải rất lớn, xếp thứ hai và thứ ba trong các dự án đầu tư theo phương thức PPP.
"Đến nay đã có 9/11 dự án thành phần của toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2022, riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Nếu không nhanh chóng thực hiện hai dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
Nhất trí chuyển hai dự án cao tốc sang đầu tư công, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đáp ứng tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách Trung ương.
Năm 2017, Quốc hội quyết định đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, trong đó, 8 dự án triển khai theo hình thức PPP, 3 dự án đầu tư công.
Giữa năm 2020, Quốc hội quyết định chuyển đổi đầu tư ba dự án PPP sang đầu tư công là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Hai dự án PPP tiếp tục được chuyển sang đầu tư công hôm nay, gồm đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, đi qua tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 7.769 tỷ đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua Thanh Hóa và Nghệ An, dài 50 km, tổng mức đầu tư 8.648 tỷ đồng.
Ba dự án PPP còn lại đã tìm được nhà đầu tư là các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Trong đó, với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vân tải phê duyệt kết quả lựa chọn liên danh nhà đầu tư vào ngày 11/1. Cơ quan quản lý sẽ đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp có 6 tháng huy động vốn tín dụng từ ngân hàng; nếu không có hợp đồng tín dụng, hợp đồng thực hiện dự án sẽ bị bãi bỏ.