Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), chiều 13/11 cho biết đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 (dài 90 km), chia làm 4 đoạn. Trong đó, ở đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần là 1A và 1B đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư để sớm khởi công.
Dự án 1A dài 8,7 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM), tổng mức đầu tư 5.329 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) gần 4.200 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của Chính phủ. Chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án này khoảng 625 tỷ đồng, gồm 476 tỷ đồng ở phía Đồng Nai và 149 tỷ đồng tại quận 9, TP HCM.
Trước đó hồi tháng 5, hiệp định vay EDCF được Việt Nam ký với Hàn Quốc, đến hôm 8/9 chính thức có hiệu lực. Tổng công ty Cửu Long hiện tuyển chọn tư vấn thiết kế và dự kiến khởi công dự án này vào quý 3/2021. Giai đoạn một, tuyến đường xây dựng với 6 làn xe và đến giai đoạn hai nâng lên 8 làn cùng 2 tuyến song hành, vỉa hè hai bên.
Dự án 1B dài gần 9 km, nằm trên địa bàn TP HCM, điểm đầu từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối tại nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Riêng phần giải phóng mặt bằng tại dự án này tốn hơn 1.053 tỷ đồng.
Tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), đã sơ tuyển hai nhà đầu tư và phía Tổng công ty Cửu Long đang lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn, dự kiến khởi công năm 2021. Giai đoạn một dự án xây hai nhánh đường song hành hai bên tuyến chính, mỗi nhánh 3 làn xe. Đến giai đoạn hai mới làm tuyến chính (dài hơn 3 km, rộng 54,5 m cho 8 làn xe) và đường nối (dài gần 6 km, rộng từ 41 m đến 52,5 m cho 6 làn xe).
"Hai dự án 1A và 1B, phần giải phóng mặt bằng tách thành các dự án riêng do TP HCM và Đồng Nai thực hiện. Tuy nhiên đoạn dự án 1A qua TP HCM do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 triển khai hiện bị chậm", đại diện Tổng công ty Cửu Long nói và cho biết đang kiến nghị TP HCM bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án 1A, đẩy nhanh tiến độ, kịp khởi công năm sau.
Riêng dự án 1B, Tổng công ty Cửu Long cho biết việc chọn nhà đầu tư BOT đang gấp rút thực hiện. Do đó để kịp tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư, các thủ tục thu hồi đất cần thực hiện ngay. Hiện, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị TP HCM giao UBND quận 9 tiếp nhận cọc giải phóng mặt bằng do đơn vị này cắm để triển khai trước các thủ tục như thống kê hộ dân bị ảnh hưởng, tổ chức kiểm đếm... Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ khâu giải phóng mặt bằng, do nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về tiến độ dự án sau khi chọn được.
"Công tác phê duyệt phương án bồi thường, chi trả sẽ được thực hiện sau khi xác định được nhà đầu tư BOT cho dự án", đại diện Tổng công ty Cửu Long cho hay.
Ngoài hai dự án 1A và 1B đã xác định được vốn và phương thức đầu tư, các đoạn còn lại của dự án Vành đai 3 gồm: dự thành phần 2 (gồm 2A, 2B, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức, đang được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025, tổng vốn hơn 31.000 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 3 TP HCM, dài hơn 90 km, qua địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được Thủ tướng duyệt quy hoạch chi tiết 9 năm trước. Đây là dự án trong điểm quốc gia giúp phát triển kinh tế, xã hội TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện, toàn dự án chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đưa vào khai thác.
Gia Minh