Vị trí thứ nhất thuộc thôn Doãn Văn, trên tuyến đường từ xã Đăk R'tíh đi xã Đăk Ngo. Đoạn đường bị lún sụt dài khoảng 20 m, vết nứt rộng 2-3 cm, lún sâu khoảng 0,8 m. Công trình có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, đã rải nhựa, đang hoàn thiện công trình phụ trợ, chưa nghiệm thu bàn giao.
Điểm sụt lún thứ hai thuộc thôn Mê Ra, trên tuyến đường từ xã Đăk R'tíh đi xã Đăk Buk So. Khu vực sạt lở rộng khoảng 15 m, dài 50 m, sâu 2,5-6 m, chia cắt mặt đường. Công trình có kinh phí 36 tỷ đồng, đang trong quá trình san ủi mặt đường. Vị trí sụt lún, sạt lở xa khu dân cư, chưa gây thiệt hại về người và tài sản.
Ông Hoàng Ngọc Thức, Chủ tịch UBND xã Đăk Rtih, cho biết hai vị trí sụt lún chưa có dấu hiệu lan rộng, song gây mất an toàn giao thông. "Đơn vị thi công đang phối hợp để khắc phục sự cố", ông Thức nói và cho biết, cơ quan chức năng đã khoanh vùng làm rào chắn; căng dây; cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn.
Trước đó, ngày 23/7, trên tuyến đường đi vào thủy điện Đồng Nai 4, thuộc xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, sạt lở cục bộ, với chiều rộng khoảng 10 m, sâu khoảng 5 m ở vị trí có cống. Hôm 20/7, tại xã Quảng Hòa xảy ra vụ sạt lở với diện tích khoảng 200 m2 tại tuyến đường đất.
Tình trạng sụt lún thường xảy ra ở Tây Nguyên vào mùa mưa, nhất là những khu vực địa hình đồi núi. Năm ngoái, sạt lở ở khu vực đã khiến nhiều tuyến đường, nhà dân bị hư hỏng, cướp đi sinh mạng nhiều người.
Trần Hóa