Ung thư tụy có tỷ lệ sống sót sau 10 năm thấp hơn so với bất kỳ loại ung thư nào. Theo Cancer Research UK, chỉ 5% số người bệnh sống sót sau hơn một thập kỷ được chẩn đoán.
Do tỷ lệ tử vong cao, việc hiểu về triệu chứng, đặc biệt là các biểu hiện dễ bỏ qua là rất quan trọng. Theo các chuyên gia, ung thư được gọi là căn bệnh thầm lặng do các vấn đề sức khỏe không xuất hiện ở giai đoạn đầu. Dù vậy, các nhà nghiên cứu xác định hai triệu chứng khó nhận biết của bệnh ung thư tuyến tụy là thường xuyên khát nước và nước tiểu sẫm màu.
Tiến sĩ Weiqi Liao, nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Oxford và các đồng nghiệp đã xem xét dữ liệu từ hơn 24.000 bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy ở Anh từ năm 2000 đến năm 2017 trên QResearch. Họ phân tích biểu hiện khác nhau của các bệnh nhân ở từng thời điểm, nhận thấy vàng da và chảy máu dạ dày, ruột là hai triệu chứng nghiêm trọng nhất, song xuất hiện khi bệnh đã tiến triển.
Trong khi đó, khát nước và nước tiểu sẫm màu là các triệu chứng khó phát hiện, chưa từng được nhắc đến trước đây. Nghiên cứu cũng tìm được 23 triệu chứng khác của bệnh, gồm nuốt, tiêu chảy, thay đổi thói quen đại tiện, nôn mửa, khó tiêu, khối u ở bụng, đau bụng, sụt cân, táo bón, mỡ trong phân, chướng bụng, buồn nôn, đầy hơi, ợ chua, sốt, mệt mỏi, chán ăn, ngứa, đau lưng, khát nước.
Tiến sĩ Weiqi Liao cho biết khi ung thư tuyến tụy được chẩn đoán sớm, bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn. Những phát hiện mới đây cho phép các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn để tìm ra các triệu chứng khác. "Điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị thích hợp, phân loại bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm khẩn cấp", ông Liao nói.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), ung thư tuyến tụy nhiều khả năng xảy ra ở người trên 75 tuổi, không phổ biến ở người dưới 40 tuổi. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, mọi người có thể hạn chế ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, giữ cân nặng ở mức hợp lý, không hút thuốc và uống ít rượu.
Thục Linh (Theo Mirror)