Tháng 3, trường Đại học Thăng Long công bố 23 ngành tuyển sinh của năm nay. So với năm ngoái, trường không còn tuyển ngành Dinh dưỡng (nhóm Khoa học sức khỏe) nhưng bổ sung hai ngành Quản trị khách sạn (nhóm Kinh tế - Quản lý) và Thanh nhạc (nhóm Năng khiếu). Tổng chỉ tiêu là 3.130, cụ thể như sau:
Trường áp dụng tám phương thức tuyển sinh, gấp đôi năm ngoái. Thứ nhất, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và thi tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, tiếng Anh). Thí sinh cần đạt tối thiểu IELTS 5.5 (hoặc TOEFL iBT 51-60, TOEFL ITP 464-499) để quy đổi 8,5 điểm môn tiếng Anh trong hai tổ hợp xét tuyển. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng không tuyển, các ngành còn lại đều dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này.
Thứ hai, Đại học Thăng Long xét tuyển kết hợp học bạ và thi năng khiếu để tuyển sinh viên ngành Thanh nhạc. Thí sinh phải đạt điểm trung bình môn Văn trong ba năm THPT tối thiểu 5, hạnh kiểm lớp 12 không dưới khá.
Bài thi năng khiếu gồm hai phần: hát và thẩm âm, tiết tấu. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn năng khiếu.
Phương thức ba là xét tuyển học bạ, chỉ áp dụng để tuyển ngành Điều dưỡng. Trường yêu cầu thí sinh đạt điểm trung bình ba môn Toán, Hóa, Sinh bậc THPT từ 6,5 trở lên, trong đó không môn nào dưới 5; hạnh kiểm lớp 12 tối thiểu đạt loại khá.
Bốn là xét tuyển dựa vào điểm học bạ môn Toán, áp dụng cho các ngành nhóm Toán - Tin học và Kinh tế - Quản lý. Thí sinh cần đạt điểm trung bình môn Toán bậc THPT từ 8 trở lên, yêu cầu về hạnh kiểm tương đương phương thức hai và ba.
Những phương thức còn lại gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên thành tích về nghệ thuật, thể thao. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng, các ngành còn lại đều sử dụng các phương thức này.
Điểm trúng tuyển Đại học Thăng Long năm 2021 dao động 19,05-26,15, ngành thấp nhất là Điều dưỡng. Ngành thấp nhất năm 2020 là Dinh dưỡng (16,75) đã tăng lên 20,35.
Ngành Marketing có đầu vào cao nhất, tăng 2,25 so với năm 2020. Một số ngành khác cũng tăng mạnh, như Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (tăng 3,78 điểm), Luật kinh tế (3,9), Khoa học máy tính (4,13).
Tương tự, trường Đại học Thành Đô tuyển 1.370 sinh viên cho 12 ngành trong năm 2022, trong đó có hai ngành mới là Luật và Luật kinh tế, mỗi ngành 100 chỉ tiêu.
Trường Thành Đô chỉ sử dụng hai phương thức tuyển sinh là xét học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nếu nộp học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình ba kỳ (lớp 11 và kỳ I lớp 12) hoặc cả năm lớp 12 của ba môn theo tổ hợp từ 18 trở lên (đã gồm điểm ưu tiên).
Thời gian nhận hồ sơ từ 18/2 đến 28/4, dự kiến nhập học đầu tháng 5.
Về điểm chuẩn 2021, Đại học Thành Đô chỉ lấy hai mức là 15 và 21. Dược học là ngành duy nhất có điểm trúng tuyển 21, bằng mức sàn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, chín ngành còn lại đều lấy 15.
Thanh Hằng