Chiều 13/6, sau ba ngày làm việc, TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố bản án phúc thẩm vụ án thao túng 7 lô đất công sản có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và TP HCM.
Tòa tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm 30 tháng tù với ông Bùi Văn Thành (cựu thứ trưởng Bộ Công an), 36 tháng tù với ông Trần Việt Tân (cựu thứ trưởng Bộ Công an) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285 Bộ luật Hình sự 2015.
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") cũng bị giữ nguyên án phạt 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp với bản án 25 năm tù do TAND Cấp cao tại TP HCM vừa tuyên ngày 7/6, hình phạt chung bị cáo Vũ phải nhận là 30 năm tù.
Bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) được giảm một năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nguyễn Hữu Bách (cựu lãnh đạo Cục B61, Tổng cục V) được giảm 18 tháng tù. Tại phiên sơ thẩm, cả hai ông đều nhận án 5 năm tù.
Bản án nhận định, bị cáo Thành giữ chức vụ cao trong ngành công an, có nhiều thành tích trong công tác, nhưng không giữ được phẩm chất; đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm nên gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo cần có thời gian cải tạo, suy ngẫm, làm gương cho toàn xã hội. Mức án tòa cấp sơ thẩm tuyên với bị cáo đã được xem xét, nương nhẹ, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Hành vi phạm tội của cựu thứ trưởng Thành gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm mất lòng tin của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo, suy giảm uy tín của ngành công an nên cần thiết phải xử lý nghiêm.
Như bị cáo Thành, cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân cũng bị bác kháng cáo xin xem xét tội danh và hình phạt. Ông Tân bị quy kết là lãnh đạo cấp cao của ngành công an, được giao chỉ đạo trực tiếp Tổng cục V, nhưng những văn bản do bị cáo phê chuẩn trên danh nghĩa Bộ Công an đã trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Vũ "Nhôm" thâu tóm trái pháp luật nhiều lô nhà, đất công sản. Hậu quả của Trần Việt Tân nặng hơn ông Thành.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm mở ngày 10-13/6 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Vũ "Nhôm" kháng cáo cho rằng không phạm tội, không chấp nhận bị tịch thu sung quỹ Nhà nước 7 lô nhà, đất ở Đà Nẵng và TP HCM song cấp phúc thẩm nhận thấy bị cáo không đưa ra được tình tiết hoặc căn cứ nào khác làm thay đổi hành vi phạm tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho mình. Do đó, Vũ "Nhôm" không có căn cứ để được chấp nhận kháng cáo về tội danh, hình phạt, chỉ chấp nhận một phần kháng cáo về biện pháp tư pháp.
Tòa phúc thẩm xác định Vũ "Nhôm" đã lợi dụng hai công ty bình phong là Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 để xin thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng với 6.700 m2 nhà và 26.700 m2 đất mà không qua đấu giá, được hưởng nhiều ưu đãi không đúng pháp luật. Hành vi của bị cáo là trái công vụ, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, về công sản nhằm thu lợi cá nhân. Cấp sơ thẩm tuyên Vũ phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là đúng. Hành vi của Vũ gây hệ lụy cho nhiều người, nhiều gia đình, ảnh hưởng uy tín ngành công an. Hình phạt 15 năm tù là tương xứng.
Số phận 7 lô nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở TP HCM, Đà Nẵng
Theo bản án phúc thẩm, việc thành lập, quá trình thay đổi đăng ký nội dung kinh doanh và quá trình chấp hành pháp luật kế toán của Công ty Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 có một số sai phạm.
Thứ nhất, bị cáo Vũ, Phan Hữu Tuấn cùng Nguyễn Ngọc Hùng được sử dụng các tên khác là Lê Văn Sáu, Hoàng Hữu Thân, Nguyễn Quang Ngọc trong khi thi hành công vụ. Dù có sử dụng tên gọi nào khác, năng lực pháp luật dân sự của Sáu, Thân, Ngọc trước pháp luật vẫn là Vũ, Tuấn, Hùng.
Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp thể hiện thời điểm thành lập Bắc Nam 79 có hai người góp vốn điều lệ là Hoàng Hữu Thân (Phan Hữu Tuấn) với mức 20%, Nguyễn Quang Ngọc (Nguyễn Ngọc Hùng) mức 10%, trong khi đang là sĩ công an nhân dân.
Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp của Nova Bắc Nam 79 cũng thể hiện thời điểm thành lập một trong ba cổ đông sáng lập là Hoàng Hữu Thân (Phan Hữu Tuấn) có 5% vốn điều lệ.
Bản án phúc thẩm nêu, ngày 1/10/2009, được Tổng cục V tuyển dụng làm nhân viên tình báo, được phong quân hàm sĩ quan công an nhưng Vũ "Nhôm" vẫn thành lập, là đại diện theo pháp luật và quản lý điều hành toàn bộ hai công ty trên. Điều này đã vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp, vì cá nhân là sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân không được quyền quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thứ hai, Công ty Bắc Nam 79 có ba cổ đông sáng lập là Vũ, Hoàng Hữu Thân và Nguyễn Quang Ngọc. Tuy nhiên, điều lệ thành lập công ty này chỉ thể hiện có hai cổ đông là Vũ và Ngọc thông qua và ký tên xác lập. Điều này cũng vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp rằng điều lệ công ty phải có tên, chữ ký của cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập.
Thứ ba, năm 2010, Vũ ký hợp đồng chuyển nhượng 70% vốn điều lệ trong công ty Bắc Nam cho Lê Văn Sáu, cũng chính là Vũ. Năm 2012, Sáu lại ký hợp đồng chuyển nhượng 50% vốn điều lệ Công ty Bắc Nam cho Vũ. Giao dịch này vi phạm Bộ luật Dân sự vì "người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó".
Thứ tư, lời khai của Vũ và các bị cáo khác tại phiên toà đều xác nhận tuy có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, danh sách cổ đông... nhưng Hoàng Hữu Thân (Phan Hữu Tuấn) và Nguyễn Quang Ngọc (Nguyễn Ngọc Hùng) đều không góp vốn điều lệ nên không thể xác định hai cá nhân này là cổ đông của Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79.
Như vậy, khi thành lập Bắc Nam 79 chỉ có một cổ đông duy nhất là Vũ. Còn Nova Bắc Nam 79 có hai cổ đông là Vũ và Công ty Bắc Nam 79 là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp - công ty cổ phần phải có tối thiểu ba cổ đông.
"Việc thành lập hai công ty do Phan Văn Anh Vũ là đại diện theo pháp luật là không hợp pháp. Hai công ty này không được coi là công ty cổ phần, không có địa vị pháp lý đầy đủ khi tham gia các giao dịch", bản án nêu và xác định các doanh nghiệp không phải do Tổng cục V trực tiếp thành lập. Tổng cục V không góp vốn, mua cổ phần, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh mà mọi hoạt động do cá nhân Vũ trực tiếp thực hiện.
Cấp phúc thẩm phân tích: Hoạt động của tổ chức bình phong cũng phải tuân theo quy định của pháp luật, trong khi thực tế hai công ty bình phong trên có địa vị pháp lý và tư cách pháp nhân không đầy đủ. Vì lẽ đó, mọi giao dịch dân sự, hợp đồng chuyển mua bán, thuê và cho thuê giữa hai công ty với các pháp nhân được nhà nước giao quản lý 7 bất động sản vàng ở Đà Nẵng và TP HCM đều không hợp pháp. "Các hợp đồng liên quan 7 bất động sản này bị vô hiệu và phải hủy", bản án tuyên.
Vì vậy, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất của 7 tài sản này, giấy tờ giao dịch liên quan bị tiêu hủy. Các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Cho rằng hoạt động của hai công ty vi phạm quy định của luật kế toán, HĐXX kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý.
Bảo Hà