Phương án này vừa được Thường trực UBND TP HCM thông qua và chuẩn bị trình Ban thường thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố xem xét, quyết định cho triển khai trong thời gian tới (dự kiến ngay trong quý 1 năm nay).
Việc thay đổi cách phân loại rác nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà thành phố đang triển khai, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Đồng thời, việc này cũng được cho là khả thi hơn so với phương án phân rác thành 3 loại đang triển khai.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, sau khi các nhà máy đốt rác phát điện hoàn thành và đưa vào hoạt động, việc phân loại rác sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều do việc đốt rác hầu như không cần phân loại chi tiết.
Việc phân thành hai loại rác cũng dễ dàng hơn cho công tác thu gom, khi đó rác thải còn lại sẽ được thu gom hàng ngày để làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý. Riêng rác thải tái chế sẽ được thu gom bằng cách đổi rác lấy vật phẩm có giá trị tương đương để khuyến khích người dân.
Đây là mô hình được Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp thu thông qua làm việc và tham quan nhà máy đốt phát điện tại Cần Thơ, cũng như học hỏi kinh nghiệm tại Phần Lan.
Hiện mỗi ngày đêm thành phố thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp và việc chôn lấp dẫn tới rất nhiều hệ lụy về môi trường (ô nhiễm không khí, nguồn nước...). Do đó, thành phố xác định phải giảm lượng rác thải chôn lấp.
Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025.
Hữu Nguyên