Cả ba nước vùng Scandinavia gồm Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đã tái mở cửa, giúp phần lớn hoạt động xã hội trở lại bình thường. Trong nhóm này, Đan Mạch là nước mở cửa sớm nhất và được đánh giá đang khống chế dịch hiệu quả nhất, dù đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19.
"Chúng tôi đã trở lại với cuộc sống trước đại dịch ở mức gần 99%. Bạn vẫn thấy dung dịch khử khuẩn khắp nơi nhưng gần như không ai dùng chúng nữa. Thật đáng mừng", bác sĩ Kilip Knop tại bệnh viện Gentofte của Đại học Copenhagen chia sẻ.
Đan Mạch ngày 10/9 tiên phong dỡ bỏ toàn diện biện pháp giãn cách và các lệnh kiểm soát đi lại chống dịch. Vào thời điểm đó, khoảng 86% người trên 12 tuổi trong 5,8 triệu dân Đan Mạch đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Độ phủ vaccine ở nhóm dân cư trên 50 tuổi đạt 95%. Thụy Điển và Na Uy tiếp bước không lâu sau đó, nới lỏng biện pháp chống dịch vào cuối tháng 9.
Đan Mạch gần đây vẫn ghi nhận trung bình 625 ca nCoV mới mỗi ngày, nhưng 99,8% là số ca nhẹ, chỉ 0,2% số ca nặng cần nhập viện hoặc chăm sóc tích cực.
Yếu tố quan trọng cho quá trình mở cửa thành công tại Đan Mạch là quyết định dỡ bỏ hạn chế sau khi tiêm được hơn 8,8 triệu liều vaccine, tương đương 75,7% dân số mọi nhóm tuổi, theo dữ liệu của Reuters.
"Đây là nơi kiểm soát tình hình ổn định nhất châu Âu trong giai đoạn đại dịch hiện nay", Nancy Baxter, lãnh đạo Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu Melbourne, Australia, đánh giá.
Catherine Bennett, Chủ nhiệm môn dịch tễ học Đại học Deakin, Australia, cho hay giữa lúc biến chủng Delta thách thức chiến dịch chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới, Đan Mạch trở thành hình mẫu về nới lỏng phong tỏa đúng thời điểm, khi cả nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng tốt và người dân tuân thủ đầy đủ quy định chống dịch trước khi chính phủ bắt đầu mở cửa.
"Họ chờ đến khi số ca nhiễm ở mức độ có thể kiểm soát được, còn tỷ lệ tiêm chủng đủ bảo vệ cộng đồng, mới bắt đầu nới lỏng dần quy định", Bennett nhận định.
Một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng chưa đạt được các mốc như Đan Mạch đã ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt khi "sổ lồng". Anh đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho 65% dân số cả nước khi dỡ bỏ toàn bộ biện pháp chống dịch từ tháng 7. Cuối tháng trước, cơ quan y tế Anh ước tính số ca nhiễm trung bình hai tuần là hơn 700/100.000 người, cao gấp 7 lần chỉ số tại Đan Mạch.
Israel, một trong những nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng với 63% dân số toàn quốc đã tiêm đủ hai mũi, nhưng tỷ lệ này đang chững lại. Trong nửa cuối tháng 9, số ca nhiễm trung bình hai tuần tại nước này là hơn 1.000/100.000 dân.
Khác với một số nước châu Âu và Mỹ, Đan Mạch không cần dùng biện pháp pháp lý để ép buộc người dân tiêm chủng. Michael Bang Petersen, nhà khoa học chính trị và cố vấn chính phủ Đan Mạch về chính sách ứng phó Covid-19, nhấn mạnh yếu tố niềm tin của người dân vào chính phủ trong gần hai năm Covid-19 bùng phát là yếu tố quan trọng đối với thành công của chiến dịch tiêm chủng.
Qua dự án HOPE nghiên cứu hành vi trong đại dịch, với 400.000 cá nhân tham gia ở Đan Mạch và 7 quốc gia khác, Petersen cùng các đồng nghiệp nhận thấy niềm tin cao vào chính phủ đã thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao và thực hiện thành công những chính sách khác như xét nghiệm diện rộng hay thẻ xanh Covid.
Lãnh đạo cơ quan y tế Đan Mạch Soren Brostrom hồi tháng 8 còn đặt mục tiêu hoàn tất tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 cho 90% người dân trên 12 tuổi trước ngày 1/10. Dù Đan Mạch không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, thiếu khoảng 150.000 người, tỷ lệ tiêm chủng cao đã dựng một hành lang bảo vệ đủ vững chắc cho dân số. Theo giáo sư miễn dịch lây nhiễm bệnh học Jan Pravsgaard Christensen, Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã tiến rất gần đến miễn dịch cộng đồng.
Dù vậy, giới chức Đan Mạch lưu ý người dân và các cơ quan liên quan không nên mất cảnh giác trước đại dịch. Khác với một số nước lớn tại châu Âu, Đan Mạch và hai láng giềng vùng Scandinavia chưa trải qua làn sóng Covid-19 thứ ba.
Theo giáo sư Lone Simonsen, giám đốc Trung tâm PandemiX của Đại học Roskilde, một làn sóng lây nhiễm đáng kể có khả năng bùng phát ở Đan Mạch vào mùa thu năm nay do biến chủng Delta và quá trình tái mở cửa. Ông kỳ vọng vaccine sẽ giúp giảm mạnh số ca nhập viện và số ca tử vong.
"Với mục tiêu ngăn chặn ca bệnh nặng, chúng ta cần tập trung thêm nguồn lực cho toàn bộ nhóm dân số chưa tiêm chủng trên 50 tuổi. Đây là nhóm có rủi ro phát bệnh nặng cao nhất khi nhiễm nCoV vào mùa đông. Họ cần tiêm chủng để bảo vệ bản thân và xã hội", Simonsen nhận định.
Chìa khóa thứ hai giúp Đan Mạch mở cửa thành công là khả năng giám sát tình hình dịch chặt chẽ bằng xét nghiệm quyết liệt, dù đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước.
Từ khi đại dịch bùng phát đến cuối tháng 9, quốc gia 5,8 triệu dân này đã thực hiện hơn 82 triệu xét nghiệm, tương đương trung bình mỗi người Đan Mạch đã xét nghiệm 14 lần. Tây Ban Nha, quốc gia với tổng dân số gấp 8 lần Đan Mạch, có tổng xét nghiệm trong gần hai năm qua vào khoảng 60 triệu lượt.
Trong những tuần đầu sau mở cửa, Đan Mạch vẫn hạn chế đáng kể việc xuất nhập cảnh nhằm theo dõi hiệu quả hơn kết quả chống dịch, tránh nguy cơ từ bên ngoài, đặc biệt là từ các vùng dịch. Ngày 20/9, nước này loại Uruguay và Romania khỏi danh sách địa điểm an toàn dịch tễ. Biện pháp tương tự được áp dụng 5 ngày sau với Liên bang Bosnia và Herzegovina cùng Moldova.
Người đến từ những nước này, nếu chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine Covid-19 nào và không thuộc diện bình phục sau khi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng qua, cần được xét nghiệm hai lần và tự cách ly trong 10 ngày.
Đến ngày 13/10, hơn một tháng sau khi mở cửa trở lại và kết luận tình hình dịch vẫn được kiểm soát thành công, chính phủ Đan Mạch mới thống nhất kế hoạch dừng phân loại nguy cơ dịch tễ với các nước khác.
Bộ Tư pháp Đan Mạch thông báo Covid-19 không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với người dân và xã hội vì phần lớn dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Những biện pháp hạn chế đi lại với các nước sẽ được "nới lỏng và đơn giản hóa đáng kể".
Tuy nhiên, người dân Đan Mạch cũng như khu vực Scandinania đã chấp nhận thực tế đại dịch toàn cầu còn lâu mới kết thúc. Vẫn còn khả năng biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao, hoặc một biến chủng khác chưa xuất hiện, lách được thành trì miễn dịch cộng đồng và nhắm đến những người có đề kháng thấp.
Dù vậy, những khảo sát thời gian qua cho thấy niềm tin xã hội về chiến lược chống dịch tại Đan Mạch không suy suyển. Theo cố vấn chính phủ Michael Bang Petersen, những yếu tố như thu nhập người dân và mức đóng thuế cao đã giúp Đan Mạch đưa ra nhiều gói hỗ trợ hiệu quả trong đại dịch, giảm gánh nặng về kinh tế và xã hội từ biện pháp chống dịch, qua đó đảm bảo mức độ tuân thủ cao.
"Liệu dỡ bỏ các lệnh hạn chế có diễn ra suôn sẻ hay không? Chưa ai nói trước được. Biến chủng mới có thể xuất hiện và một số lệnh hạn chế có khả năng được tái áp đặt. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khoa học hành vy, tôi cảm thấy lạc quan về tương lai. Nếu làn sóng thứ ba ập đến, sự tin tưởng của người dân vẫn đủ cao để chúng ta vượt qua thách thức", cố vấn Petersen tuyên bố.
Trung Nhân (Theo SBS/Washington Post)