4x100m tự do phối hợp là nội dung đặc biệt, có sự kết hợp của VĐV nam và VĐV nữ. Ban huấn luyện đoàn Quân đội xếp Ánh Viên bơi ở lượt thứ ba, còn em trai của cô - Quang Thuấn (15 tuổi) bơi ở lượt cuối.
Mai Trần Tuấn Anh và Nguyễn Thuý Hiền để đối thủ Long An dẫn khá xa sau hai lượt đầu tiên. Tuy nhiên, Ánh Viên đã giúp đội Quân đội thu hẹp khoảng cách xuống chỉ còn khoảng hai mét dù phải tranh tài với VĐV nam Trần Tấn Triệu. Nhờ đó, ở lượt bơi cuối, Quang Thuấn bứt phá và đánh bại Võ Thị Mỹ Tiên.
Ánh Viên cùng các đồng đội giành HC vàng với thành tích 3 phút 39 giây 24, nhanh hơn 1 giây 38 so với đội Long An.
Ánh Viên còn giành thêm hai HC vàng cá nhân trong ngày thi đấu hôm nay. Ở nội dung 200m bơi ngửa, kình ngư Cần Thơ cán đích sau 2 phút 15 giây 99. Thành tích này kém xa kỷ lục 2 phút 12 giây 92 do cô thiết lập năm 2012 nhưng vẫn đủ để giành HC vàng. Người về nhì là Nguyễn Diệp Phương Trâm với 6 giây ít hơn. Phương Trâm được kỳ vọng là "Ánh Viên mới", từng hai lần đánh bại đàn chị năm 2015, khi mới 14 tuổi. Nhưng tại giải năm nay kình ngư của TP HCM liên tiếp thua Ánh Viên.
Các kình ngư xuất sắc của Việt Nam hiện tập huấn tại châu Âu chuẩn bị cho SEA Games nên Ánh Viên dễ dàng thống trị tại giải VĐQG bể 25m tại Huế. Ngoài Phương Trinh, chỉ còn Mỹ Tiên có thể cạnh tranh chủ lực của đoàn Quân đội. Mỹ Tiên từng thắng Ánh Viên ở một nội dung cá nhân và một nội dung đồng đội hôm 3/3, nhưng một ngày sau đã thua cả hai nội dung. Hôm nay, Mỹ Tiên cũng không thể tạo bất ngờ. Sau khi thua ở 4x100m tự do phối hợp, cô tiếp tục phải chịu cảnh về nhì ở nội dung 200m hỗn hợp. Mỹ Tiên chạm đích sau 2 phút 17 giây 32, kém Ánh Viên 0,75 giây.
Giải bơi VĐQG bể 25m diễn ra từ ngày 1 đến 6/3. Đây là giải đầu tiên Ánh Viên thi đấu, kể từ khi rút khỏi đội tuyển quốc gia. Sau năm ngày tranh tài, Ánh Viên giành 17 HC vàng trong tổng số 22 HC vàng của Quân đội. Số HC vàng của cô nhiều hơn một tấm so với tổng số HC vàng mà 10 đoàn phía sau giành được.
Lâm Thoả