Cảnh sát biển Philippines cho biết cuộc chạm mặt xảy ra hôm 30/6, khi tàu công vụ nước này thực hiện chuyến tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên xác tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Manila cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận nhóm tàu cảnh sát biển Philippines có nhiệm vụ hộ tống tàu tiếp vận. Một tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển cách mũi tàu BRP Malabrigo khoảng 90 m, buộc chỉ huy tàu cảnh sát biển Philippines ra lệnh giảm tốc để tránh va chạm.
"Họ thực hiện các động tác cơ động nguy hiểm, thậm chí chạy cắt mũi tàu công vụ Philippines. Khoảng cách này rất nguy hiểm, dễ dẫn tới va chạm", phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela nói.
Hình ảnh do giới chức Philippines công bố cho thấy tàu 4203 của hải cảnh Trung Quốc di chuyển trong trạng thái gần như đối đầu trực diện với BRP Malabrigo, trước khi ngoặt về phía trái và cắt ngang đường di chuyển của tàu Philippines.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc bị cáo buộc cản trở tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Trung Quốc thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như theo dõi nhiệm vụ tiếp tế cho Sierra Madre.
Cảnh sát biển Philippines hồi tháng 2 cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 đã chiếu tia laser màu xanh vào tàu công vụ BRP Malapascua của họ đang hoạt động cách bãi Cỏ Mây khoảng 20 km.
Ba tàu hải cảnh Trung Quốc tháng 11/2021 chặn đường hai tàu tiếp tế Philippines đang di chuyển tới khu vực. Quan chức Philippines sau đó đăng video cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu đèn pha công suất cao và xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines. Không ai bị thương trong sự việc, nhưng các tàu Philippines phải hủy nhiệm vụ và quay về bờ.
Hải quân Philippines năm 1999 cho ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó triển khai nhóm nhỏ binh sĩ đồn trú trái phép tại đây. Các binh sĩ này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam.
Vũ Anh (Theo AFP)