- Những tiêu cực ở PMU18 xảy ra trong một thời gian dài như vậy, song các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp nguồn vốn ODA như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... vẫn không hề phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh. Như vậy trách nhiệm của những cơ quan này đến đâu, thưa ông?
Ông Tào Hữu Phùng: "Điều tôi cảm thấy đau xót nhất hiện nay là người ta xem vốn vay ODA như "của chùa". (Tuổi Trẻ) |
- Đúng là một thời gian dài mà không phát hiện là có vấn đề thật sự. Ở đây có thể thấy có vấn đề trong việc phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính. Trong đó, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là quản lý chung về tài sản của nhà nước, song bộ này không kiểm tra để PMU18 cho mượn ôtô trái luật trong một thời gian dài là một trách nhiệm rất lớn.
Trả lời trên báo, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho rằng việc cho mượn, điều ôtô về bộ này là không sai thì tôi xin khẳng định đây là một việc làm hoàn toàn sai luật. Bởi vì, ở đây là sử dụng tiền ngân sách để mua, khi sử dụng xong anh phải đưa về cho Nhà nước bán đấu giá nộp vào ngân sách.
Những chiếc ôtô này là tài sản của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải chỉ được phép sử dụng chứ không phải là cơ quan quản lý công sản.Việc quản lý công sản là do Bộ Tài chính nắm, nhưng bộ này lại không kiểm tra giám sát để cho họ lộng hành như vậy đó chính là trách nhiệm của bộ.
Bộ Tài chính cũng buông lỏng việc kiểm tra để cho PMU18 lợi dụng việc nhập xe quá số lượng qua các dự án để trốn thuế.
"Tôi vừa đi Đan Mạch, họ đã than phiền là việc quản lý vốn ODA của chúng ta hiện nay không hiệu quả. Doanh nghiệp Đan Mạch vào VN tham gia dự án ODA phải “hối lộ” cho địa phương mới được làm, đến khi nguyên vật liệu vào VN qua hải quan cũng phải mất tiền. Với thực tế như vậy, phía Đan Mạch đã hỏi tôi việc để xảy ra quản lý yếu kém đối với nguồn vốn ODA như vậy thì trách nhiệm QH ở đâu? Và thậm chí họ nói thẳng nếu việc quản lý sắp tới không chặt, không hiệu quả thì họ sẽ ngưng không cung cấp vốn nữa", ông Tào Hữu Phùng lo ngại. |
- Thưa ông, có điều gì bất bình thường trong những vấn đề nêu trên?
- Bộ Tài chính không phát hiện được điều gì trong chuyện này. Đó là điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận. Việc phân bổ và sử dụng lãng phí nguồn vốn ODA nhưng Bộ Tài chính không có một cuộc thanh tra tài chính nào. Giả sử nếu không phát hiện được vụ Bùi Tiến Dũng đánh bạc thì không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ.
Trong Nghị định 17/2001 của Chính phủ cũng nói rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính rất lớn trong việc quản lý về tài chính của các dự án có sử dụng vốn ODA. Vì vậy, theo tôi, phải lật lại trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuyện này.
Tôi cho rằng trong kỳ họp tới đây, Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ trả lời chất vấn xung quanh việc buông lỏng quản lý đối với nguồn vốn ODA. Bản thân tôi sẽ chất vấn ra trước quốc hội về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì trong việc quản lý hiệu quả sử dụng vốn ODA đã tròn trách nhiệm của mình đến đâu, Bộ trưởng Bộ Tài chính vai trò là quản lý tài sản, nguồn vốn đã kết hợp với các bộ khác như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy. Còn Bộ Giao thông Vận tải thì căn cứ vào đâu để thành lập mô hình này, trách nhiệm quản lý của bộ này, kể về mặt nhân sự?
- Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng việc quản lý vốn ODA hiện nay đang xảy ra tình trạng quản lý cắt khúc. Nghĩa là mỗi bộ quản lý một công đoạn, do đó khi xảy chuyện thì trách nhiệm chính không biết thuộc về cơ quan nào, ông bình luận như thế nào về quan điểm này?
- Nghị định 17 của Chính phủ đã nói rất rõ trách nhiệm chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ, theo dõi, đánh giá việc sử dụng vốn ODA phân bổ vào đâu để đạt hiệu quả, nhưng qua thực tế cho thấy bộ này gần như “khoán trắng” cho các Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ chủ quản thực hiện dự án. Còn Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra theo dõi quản lý về mặt tài chính đối với các dự án ODA. Như vậy trách nhiệm của cơ quan nào trong vấn đề này là quá rõ.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì việc theo dõi đánh giá, kiểm tra tình hình quản lý, thực hiện hiệu quả của các chương trình dự án ODA, ông nghĩ sao khi hàng loạt dự án sử dụng vốn của PMU18 đều có vấn đề?
- Trước hết đó là sự thiếu trách nhiệm, một khoảng thời gian dài như vậy nhưng không kiểm tra giám sát, hiệu quả sử dụng thế nào. Tôi thật sự đau lòng khi biết rằng cọc tiêu theo thiết kế là trụ sắt nhưng họ lại cho cọc tre vào thì không thể nào chấp nhận được. Có thể nói rõ một hành động vô đạo đức nghề nghiệp. Quốc lộ 18 chỉ mới sờ có một ít mà đã phát hiện gần 50 tỉ đồng phải xuất toán, chưa nói đến việc đánh giá chất lượng cầu Phả Lại.
Đây là công trình ép tiến độ thi công, gây nứt như vậy thì chắc chắn chất lượng công trình phải có vấn đề. Trách nhiệm rất lớn, nhưng một ông thứ trưởng lại được quyền tăng dự toán lên vài chục tỷ đồng là điều bất bình thường. Vì vậy ở đây có thể khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thực hiện theo nghị định 17 của Chính phủ mà buông lỏng quản lý hoàn toàn.
- Quốc hội hằng năm đều có thông qua dự toán ngân sách, song lại không thực hiện việc giám sát phần vốn sử dụng của các dự án ODA. Như vậy, Quốc hội cũng có trách nhiệm trong vụ việc này, thưa ông?
- Đúng là Quốc hội hằng năm đều thông qua dự toán ngân sách, nhưng với vốn ODA này thì vay về, vài chục năm sau mới trả nợ nên chưa đưa vào quyết toán ngân sách hằng năm của Quốc hội. Và cho đến nay Quốc hội cũng chưa nhận được bản báo cáo nào về việc sử dụng nguồn vốn ODA.
Còn nói về trách nhiệm thì đúng là ngoài trách nhiệm của các bộ, Chính phủ, Quốc hội cũng có trách nhiệm liên quan là không tổ chức giám sát phần vốn này. Đáng lý ra Quốc hội phải yêu cầu báo cáo hằng năm. Sự việc để xảy ra như vừa qua, theo tôi, cần phải xem xét trách nhiệm của cả Quốc và Chính phủ.
Điều tôi cảm thấy đau xót nhất hiện nay là người ta xem vốn vay ODA như "của chùa”, trong khi đó chúng ta nên nhớ rằng đây là vốn vay ưu đãi, trong 5-10 năm nữa chúng ta sẽ phải lấy vốn ngân sách ra để trả và lúc đó nếu chúng ta không quản lý tốt điều này thì con, cháu chúng ta sẽ phải è lưng trả nợ.
(Theo Tuổi Trẻ)