Chiều 8/4, Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Viettel đã sở hữu khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng, còn VNPT trúng đấu giá khối C2 (3700-3800 MHz) với 2.581 tỷ đồng. Dù mức giá đắt đỏ, sở hữu băng tần là bước quan trọng để các nhà mạng có thể chính thức thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết hiện Viettel đã nộp các khoản theo quy định, trong khi VNPT dự kiến hoàn thành ngày mai. "Sau khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Bộ sẽ tiến hành cấp phép để triển khai sớm 5G", ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Tần số Vô tuyến điện, nói.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá thành công tần số, sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. "Việc đấu giá nâng mức tần số cấp cho thông tin di dộng tăng 59% so với hiện tại", ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, có hai yếu tố chính dẫn đến sự chênh lệch giá giữa các băng tần. B1 có tần số nhỏ hơn, tương đương độ phủ rộng hơn, từ đó giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí triển khai trạm thu phát sóng. Ngoài ra, đây cũng là băng tần duy nhất cho phép triển khai cả mạng 4G và 5G, so với chỉ 5G của khối C, từ đó mang lại giá trị về kinh doanh và triển khai khi Việt Nam chuyển dần từ 4G sang 5G.
"Viettel dự kiến khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất", nhà mạng nói và cho biết thiết bị 5G tự nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy trên băng tần 2500-2600 MHz.
Trong khi đó, đại diện VNPT cũng khẳng định đang "tích cực chuẩn bị để sớm thương mại hóa 5G", đồng thời đã chuẩn bị chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số để tận dụng sức mạnh của thế hệ mạng mới.
Lưu Quý