(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Triết lý bóng đá đẹp là không sai. Sai là không hiểu rõ điều kiện cần thiết để tạo nên bóng đá đẹp. Muốn đá đẹp thì cầu thủ phải vượt trội đối thủ về mọi mặt - thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Chúng ta thấy cầu thủ Brazil trình diễn lối đá đẹp ở các giải World Cup vì họ nhỉnh hơn các đội tuyển khác một chút. Nhưng tại giải vô địch quốc gia Brazil thì lại không đẹp như vậy được vì chẳng ai nhỉnh hơn ai.
Chúng ta du nhập bóng đá học viện về để đào tạo cầu thủ. Tuy việc này tạo ra cho bóng đá Việt Nam một chút tiến bộ nhưng không nhiều. Giữa đào tạo và thi đấu vẫn còn có chênh lệch, không phối hợp được. Tôi lấy ví dụ ở tốc độ đi bóng không có truy cản. Vận động viên vô địch thế giới về chạy nước rút 100 m mất khoảng 10 giây. Như vậy, nếu là cầu thủ dẫn bóng với tốc độ cao cũng phải ở mức 12 giây. Đây chỉ là một chỉ số trong hàng chục kỹ năng với hàng chục chỉ số khác nhau. Tin rằng, mọi học viện đều có thông tin chỉ số chung này ở đẳng cấp quốc tế.
Nếu cầu thủ Việt Nam đạt được những chỉ số ấy (chỉ mới là tập luyện thôi còn chưa nói thi đấu) thì ông bầu mới dám cho cầu thủ xuất ngoại. Bầu Đức dựa vào chỉ số nào của Công Phượng để cho cầu thủ này xuất ngoại? Tương tự với Văn Hậu? Không phải ngẫu nhiên mà người ta không cho Văn Hậu ra sân đá hết dù chỉ một hiệp. Để đạt được chỉ số trung bình của một hậu vệ, Văn Hậu không chịu đựng nổi quá 15 phút. Người ta vẫn còn cố giữ Văn Hậu vì hy vọng cầu thủ này sẽ cải thiện được thể lực khi đá ở giải trẻ của họ. Nếu qua tuổi 21 mà Văn Hậu không vượt qua được chính mình thì ắt sẽ bị sa thải dù có tài năng gì đi nữa.
Người ta thà sang châu Phi tuyển những người chỉ giỏi chạy về huấn luyện thành cầu thủ hơn là sang Việt Nam tìm người biết đá bóng nhưng chạy không giỏi. Nếu đá với tốc độ nhanh như giải vô địch Anh, cầu thủ Việt chịu đựng được bao lâu? Đừng nói là Việt Nam, ngay cả các ông lớn châu Á cũng không chịu nổi tốc độ này. Thể lực không theo kịp thì xuất ngoại có ý nghĩa gì? Có thể học được gì?
Những cầu thủ Hàn, Nhật đi xuất ngoại sang châu Âu cũng phải đạt được những chỉ số tập luyện này làm nền tảng tối thiểu chứ đâu phải người đi trước thành công sẽ dẫn lối cho người đi sau. Muốn thành công, anh phải có nền tảng tối thiểu là thể lực không thua kém chứ đâu phải tâm lý may rủi. Rất nhiều người không hiểu gì về bóng đá, về thể thao vẫn bình luận ngang: "không xuất ngoại bây giờ thì bao giờ mới xuất ngoại?".
>> 'Công Phượng, Văn Hậu xuất ngoại không nâng tầm bóng đá Việt Nam'
Đông Nam Á bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới không phải vì kỹ chiến thuật thua kém mà là thể lực thua kém. Á Vận Hội không dành được bộ huy chương nào trong các môn điền kinh, bơi lội thì mong gì thể lực chung ngang bằng ai. Kỷ lục quốc gia chạy nước rút của Việt Nam cũng không bằng tốc độ đi bóng của cầu thủ nước ngoài. Cầu thủ gần như phải chạy marathon trong suốt 90 phút nhưng CLB hay học viện bóng đá nào của Việt Nam cho cầu thủ chạy 15 nghìn mét hàng ngày? Nếu không làm được thì ra sân làm sao đủ sức chạy hết 90 phút?
Vận động nhiều thì phải ăn nhiều. Ăn để vận động thì phải ăn thức ăn nhiều đạm và dễ tiêu hóa chứ không phải chỉ nạp đầy calories là xong. Nạp đầy calories mà khó tiêu, ngày hôm sau mới tiêu hóa xong làm sao tập? Tất nhiên có thuốc bổ trợ giúp tiêu hóa nhanh, nhưng cái gì trái với tự nhiên thì về già sẽ phải chịu hậu quả. Tiền kiếm được bao nhiêu không đủ để đi bác sĩ. Tôi chưa nghe nói cầu thủ triệu đô nào về già sống sung sướng, bao gồm cả "cậu bé vàng" Maradona, huống chi chẳng có cầu thủ Việt nào đạt đến giá trị triệu đô (giá trị hợp đồng triệu đô/ năm).
Cầu thủ HAGL mỏng cơm cho thấy Bầu Đức không chỉ can thiệp vào CLB mà còn can thiệp cả vào học viện. Bầu Đức chỉ quan tâm kỹ chiến thuật của cầu thủ thôi, cái khác không làm được. Cầu thủ là vận động viên thể thao chứ không phải diễn viên xiếc. Cầu thủ có mặt trong đội hình ra sân (bao gồm cả dự bị), đá ít nhất một hiệp, ghi bàn, chuyền bóng thành công, truy cản thành công, bắt bóng thành công... lẽ ra đều xứng đáng được thưởng. Ngược lại, không thành công thì bị phạt. Đem điểm thưởng trừ đi điểm phạt là ra mức thưởng của cầu trong trận đấu đó. Người ta có hàng trăm loại điểm thưởng – phạt khác nhau chứ đâu phải cào bằng ai cũng như ai.
Ai giám sát, theo dõi và cho điểm? Chính là Giám đốc kỹ thuật và các trợ lý của vị này. Tiền thưởng trung bình trong một trận đấu mùa này cộng với giá trị chuyển nhượng mùa trước sẽ cho ra giá trị chuyển nhượng mùa sau, chứ không phải ai muốn định giá bao nhiêu cũng được. Giá trị chuyển nhượng tăng đột biến khi có vài CLB cùng nhắm vào một cầu thủ và họ phải đấu giá với nhau. Đấu giá không phải chỉ dựa vào tiền bạc mà còn dựa vào tiềm năng của cầu thủ ấy xem tương lai có đạt được mức chuyển nhượng ấy không? Chuyện mua hớ do kỳ vọng không đạt là bình thường. Trong khi đó, giá trị chuyển nhượng ở ta dựa vào đâu?
Bởi vậy, dù là ghế dự bị thôi cũng cạnh tranh quyết liệt huống chi đá chính. CLB càng có nhiều cầu thủ, tính cạnh tranh càng cao. Ai cũng phải cố hết sức đoạt cho được một suất đá chính, bèo lắm cũng là suất dự bị. Mọi cầu thủ đều có chất lượng tương đương thì cạnh tranh mới gay gắt. Người ta mua cầu thủ đắt tiền về đâu phải để cho anh ta đá chính ngay từ đầu. Đắt tiền vì nguyên dàn cầu thủ mà họ có cũng có giá tương đương, mua cầu thủ rẻ hơn làm sao cạnh tranh?
>> Công Phượng xuất ngoại - 'đòn thử thương mại của bầu Đức'
Một CLB của họ ít cũng phải 40 cầu thủ trong khi ra sân chỉ có 16 người (bao gồm cả 5 suất dự bị). CLB của ta có bao nhiêu cầu thủ? Làm sao đoạt được suất ra sân? Lại trở về nội dung trên - chỉ số tập luyện. Chỉ số tập luyện kém hơn người khác thì cửa nào được ra sân? Văn Hậu có giá trị chuyển nhượng chỉ bằng với mức lương tối thiểu theo luật của họ thì cạnh tranh kiểu gì? Tức là, nếu không bị vướng phải luật pháp thì giá trị chuyển nhượng của Văn Hậu còn thấp đến đâu? Giá trị chuyển nhượng phụ thuộc vào cố gắng tự thân – chỉ số tập luyện rồi mới đến danh tiếng – tài năng được thể hiện trên sân thi đấu. Tập luyện không hơn được người ta, giá trị chuyển nhượng vẫn nhiêu đó làm sao có cơ hội ra sân?
Nhìn vào sự kém chuyên nghiệp của các CLB Việt mà ngán ngẩm. CLB kém chuyên nghiệp là do chủ tịch CLB (các ông bầu) kém chuyên nghiệp, cuối cùng mới đến VFF.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.