Những điều tra gần đây từ phía Mỹ cho hay hacker đã đột nhập vào hệ thống máy tính của ngân hàng trung ương Bangladesh, ăn cắp thông tin về hệ thống bảo mật, phá vỡ hàng rào an ninh, tạo lệnh giả để Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại New York chuyển 81 triệu USD từ tài khoản của ngân hàng Bangladesh tới tài khoản của 4 người đàn ông ở Philippines.
Tiếp theo, chúng yêu cầu chuyển thêm 20 triệu USD tới một ngân hàng ở Sri Lanka. Tuy nhiên, lệnh này không được thực hiện vì lệnh chuyển tiền viết sai chính tả. Ngoài ra, hacker còn gửi hàng tá lệnh chuyển tiền giả tới FED.
Các nhà chức trách Bangladesh từ chối bình luận chi tiết về vụ việc. Bộ trưởng Tài chính Bangladesh cho biết chính phủ đang cân nhắc việc kiện các ngân hàng tại Mỹ và rằng các ngân hàng Mỹ không thể trốn tránh trách nhiệm trong việc này.
Trong một động thái đáp trả, FED đã có một bài đăng lên Twitter với nội dung: “Theo như những báo cáo về hoạt động tội phạm mạng, chưa có đủ bằng chứng để kết tội FED và để kết luận rằng FED có liên quan đến vụ việc”. Các nhà chức trách tại FED cũng từ chối đưa ra quan điểm về vụ tranh cãi với Bangladesh này.
Theo báo địa phương, ngân hàng trung ương Bangladesh đã thu hồi được một phần của khoản tiền 100 triệu USD bị mất. Cơ quan này cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia công nghệ để truy nguyên nốt khoản tiền bị lấy cắp. Trong một động thái có liên quan, chính phủ Phillippines đã phong tỏa một số tài khoản ngân hàng tại quốc gia này, với nghi vấn các hacker Trung Quốc đã chuyển số tiền đánh cắp được sang các tài khoản tại Phillippines.
Theo BBC, để thực hiện vụ tấn công, các hacker đã dành thời gian bí mật theo dõi cách thức chuyển khoản tại hệ thống ngân hàng Bangladesh. Từ đó, chúng có thể thực hiện những giao dịch dưới danh nghĩa là nhà chức trách làm việc cho ngân hàng trung ương và chính phủ. 100 triệu USD đã bị bốc hơi vì lý do này, cho đến khi hệ thống ngân hàng tại Mỹ phát hiện những giao dịch khả nghi và gửi thông báo cho phía Bangladesh.
Trong khi các nhà kinh tế học bày tỏ thái độ lạc quan rằng Bangladesh sẽ thu hồi được hết số tiền bị đánh cắp, giới công nghệ lại tỏ ra lo lắng. Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định vụ tấn công mạng lần này cho thấy lỗ hổng an ninh mạng lớn tại hệ thống ngân hàng ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà sự tăng trưởng nhanh chóng của tín dụng đã khiến chính phủ lơ là những quy định xung quanh bảo mật.
Giám đốc ngân hàng trung ương Bangladesh, ông Atiur Rahman đã từ chức sau vụ việc.
Nguyễn Mai Đức