Theo Reuters, các tin tặc đã truy cập vào hệ thống của Ngân hàng Bangladesh và đánh cắp thông tin dùng để thực hiện các thanh toán. Sau đó, chúng gửi gần 30 lệnh tới Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (Mỹ), yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản của Ngân hàng Bangladesh tới các thực thể ở Philippines và Sri Lanka.
Bốn trong số các yêu cầu chuyển tiền đã được thực hiện, giao dịch tổng cộng 81 triệu USD. Nhưng lệnh thứ năm với khoản tiền 20 triệu USD đã bị tạm ngừng khi ngân hàng nhận thấy tên của người nhận chuyển nhượng bị sai chính tả.
Giao dịch này dùng để chuyển tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Sri Lanka. Tuy nhiên, từ "foundation" (tổ chức) trong phần tiêu đề lại được viết thành "fandation". Ngân hàng thấy có vấn đề nên đã ngừng chuyển tiền, đồng thời phát hiện nhiều giao dịch bất thường nên đã cảnh báo Ngân hàng Bangladesh.
Vụ tấn công của hacker đã bị phát hiện và toàn bộ lệnh chuyển tiền được khóa lại. Ngân hàng Bangladesh có hàng tỷ USD trong tài khoản của Cục dự trữ liên bang Mỹ dùng để thanh toán quốc tế. Ước tính các giao dịch trị giá khoảng 850 đến 870 triệu USD đã được chặn.
Ngân hàng Bangladesh cho biết họ đã thu hồi được một phần số tiền bị đánh cắp và đang tích cực làm việc để khắc phục hậu quả. Chính phủ nước này cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc trên.
Năm 2015, hãng bảo mật Kaspersky cho biết nhóm tội phạm mạng đa quốc gia đã đánh cắp nhiều tỷ USD từ hơn 100 tổ chức tài chính trên toàn cầu. Ngay cả những hệ thống mạng an toàn nhất đang phải đối mặt với các vụ tấn công và cướp tiền.