"Việc dứt khoát rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia trong đảm bảo an ninh của Nga", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky nói hôm nay, sau khi dự luật do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình tuần trước được Hạ viện thông qua.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết quyết định chính thức rút khỏi CFE được các nghị sĩ đưa ra dựa trên lợi ích của người dân nước này.
"Washington và Brussels, bị ám ảnh với ý tưởng xây dựng thế giới đơn cực và mở rộng NATO về phía đông, đã phá hủy hệ thống đảm bảo an ninh toàn cầu", ông Volodin nói. Ông cáo buộc NATO là "sói đội lốt cừu", "tuyên bố thành lập vì mục đích phòng thủ nhưng lại mang đau khổ và tàn phá Nam Tư, Afghanistan, Libya, Iraq và Syria".
Giới chức Mỹ, châu Âu chưa bình luận về động thái.
CFE được ký năm 1990 giữa NATO và các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw nhằm giới hạn số lượng xe tăng, phương tiện bọc thép, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng quân tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng, thiết lập thế cân bằng quân sự.
Nga đình chỉ CFE năm 2007, cáo buộc các thành viên NATO nhiều lần vi phạm hiệp ước và không phê chuẩn một phiên bản cập nhật.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 15/5 nói CFE "từ lâu đã không còn phù hợp với thực tế" và "không còn hiệu lực suốt nhiều năm qua". Do đó, việc Nga rút khỏi CFE sẽ không tác động đến an ninh khu vực, vốn đã bị các nước NATO làm tổn hại.
Theo ông Ryabkov, quá trình Nga rút hoàn toàn khỏi CFE dự kiến kéo dài 6 tháng và "phương Tây nên suy xét nghiêm túc về động thái này".
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hoan nghênh quyết định của Hạ viện, cho rằng Moskva giờ đây đã có thể triển khai vũ khí đến bất kỳ nơi nào cảm thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông thêm rằng Nga sẽ "tối đa hóa sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự và các biện pháp hủy diệt".
Nga hồi đầu năm đã đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), cáo buộc Mỹ và phương Tây vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, nhưng cam kết vẫn duy trì các nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước.
New START được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
Mỹ ngày 15/5 công khai dữ liệu, cho biết Washington có 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai kể từ ngày 1/3, và kêu gọi Nga có hành động tương tự. Ông Ryabkov hôm nay tái khẳng định Nga không có ý định công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân theo New START.
"Hiệp ước đã bị đình chỉ", quan chức này nhấn mạnh.
Như Tâm (Theo RT, TASS)