Nghị quyết được thông qua với 223 phiếu ủng hộ và 205 phiếu chống vào tối 12/1 (giờ Mỹ). Chỉ có một nghị sĩ Cộng hòa là Adam Kinzinger thông qua nghị quyết này cùng các nghị sĩ Dân chủ.
Hầu hết thành viên còn lại của đảng Cộng hòa phản đối nỗ lực phế truất Trump. Một số người bênh vực những hành động của Tổng thống là vô hại, số khác lên án nhưng không đồng tình việc phế truất Trump khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jamie Raskin, người dẫn đầu nghị quyết trên, cũng là một học giả luật hiến pháp, cho rằng quốc hội phải gửi đi thông điệp "rằng những gì đã diễn ra là hoàn toàn không thể tha thứ và không thể chấp nhận được".
"Điều quan trọng đối với chúng ta bây giờ là phải làm rõ rằng đây là một sự bãi bỏ tuyệt đối nhiệm vụ tổng thống", ông Raskin nói.
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Tom Cole, một quan chức Cộng hòa cấp cao, cho rằng quyết định phế truất một tổng thống theo Tu chính án 25 đơn giản là nằm ngoài thẩm quyền của quốc hội.
"Quốc hội không có vai trò gì trong cuộc tranh cãi giữa tổng thống, phó tổng thống và nội các về năng lực hoàn thành các nhiệm vụ của ông ấy", Cole nói.
Sau vụ bạo loạn nổ ra tại quốc hội hôm 6/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gây sức ép để phó tổng thống Pence kích hoạt Tu chính án 25 nhằm nhanh chóng phế truất Trump, với quyết tâm buộc ông phải chịu trách nhiệm về vai trò trong cuộc hỗn loạn. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng sau khi đám đông ủng hộ Trump tràn vào Đồi Capitol theo lời kêu gọi của ông nhằm cản trở việc xác nhận kết quả bầu cử.
Để kích hoạt Tu chính án 25, Pence và phần đa nội các của Tổng thống Mỹ cần tuyên bố ông không có khả năng thực thi các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, Pence đã bác bỏ hành động này trong một bức thư gửi bà Pelosi hôm 12/1, cho rằng phế truất Trump không mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia và không phù hợp với hiến pháp.
Hạ viện Mỹ dự kiến tiếp tục tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm Trump vào ngày 13/1 với cáo buộc ông kích động bạo loạn chống chính phủ.
Anh Ngọc (Theo Reuters, Hill)