Các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine trong những ngày tới. Theo Sở Y tế Hà Tĩnh, quy trình tiêm từ bệnh viện tỉnh được truyền trực tiếp về các bệnh viện huyện để tuyến dưới học hỏi, rút kinh nghiệm, trước khi tổ chức tiêm thật.
Hiện Bộ Y tế đã điều phối 7.300 liều vaccine AstraZeneca cho Hà Tĩnh. Ước tính toàn tỉnh có gần 9.000 người làm việc trong các cơ sở y tế, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp tỉnh, huyện, thuộc nhóm ưu tiên. Do số vaccine thiếu, Sở Y tế dự kiến tiêm cho nhóm nguy cơ cao nhất trước. Mỗi buổi tiêm không quá 50 người. Khi hoàn thành, tất cả sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19.
Sáng 15/4, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca. 46 người được tiêm vaccine trong buổi sáng, sức khỏe bình thường, chưa có dấu hiệu bị phản ứng phụ sau tiêm. Sở Y tế Hà Tĩnh thành lập 3 đội cấp cứu ngoại viện để hỗ trợ xử lý các sự cố trong quá trình tiêm.
"30 phút sau tiêm, tôi thấy cơ thể ổn định", bác sĩ Hoàng Việt Hà, người được tiêm mũi vaccine đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nói.
Tính đến ngày 14/4, tổng cộng 62.028 người đã tiêm vaccine AstraZeneca, tại 19 tỉnh, thành phố. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an. Nhiều tỉnh, thành phố lên kế hoạch triển khai đợt hai tiêm vaccine.
Vaccine AstraZeneca là loại đang được sử dụng tại Việt Nam, gồm 117.600 liều nhập khẩu hồi tháng 2 và đang tiêm chủng hai tháng qua (đợt một); cùng hơn 800.000 liều do cơ chế Covax của Liên Hợp Quốc cung cấp vào đầu tháng 4, bắt đầu tiêm ở 63 tỉnh thành (đợt hai).
Một số quốc gia đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại về chứng đông máu, song Việt Nam chưa nhận hiện tượng này, vẫn tiêm theo kế hoạch đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử trí đối với trường hợp xảy ra phản ứng phụ.