Sáng 24/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo về tình hình mưa lũ vừa qua và các giải pháp đảm bảo an toàn cho hồ Kẻ Gỗ trong thời gian tới. Theo báo cáo, hồ Kẻ Gỗ dung tích 345 triệu m2, cao trình ở ngưỡng an toàn 32,5 m. Trong mùa lũ, dung tích thiết kế là 420 triệu m3, cao trình 35 m. Nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước sinh hoạt, sản xuất và quan trọng nhất là điều tiết lũ.
Đợt mưa lũ 18-21/10, lượng mưa đo được tại hồ Kẻ Gỗ là 618 mm một ngày. Cao điểm hôm 19/10, mực nước đạt cao trình 33,7 m, lưu lượng xả 1.060 m3/s trong một tiếng. Nhà chức trách đã tính tới phương án phá tràn sự cố để đảm bảo an toàn hồ đập, dù thời điểm đó hồ có thể tích trữ được 40 triệu m3 nữa.
Hồ có tràn sự cố dự phòng tình huống khẩn cấp dài khoảng 192 m. Nếu mực nước vượt quá ngưỡng 35 m, tràn sẽ tự vỡ, nước qua tràn sẽ là 3.750 m3/s. Đến tối 19/10, khi lượng mưa giảm, tỉnh không dùng đến phương án phá tràn.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói "nếu như tràn sự cố hoạt động thì cực kỳ khủng khiếp, rất may điều đó không xảy ra". Hồ Kẻ Gỗ đã tham gia cắt lũ cho hạ du với dung tích khoảng 200 triệu m3 nước. Nếu không có hồ giúp cản trở và chậm lũ, hạ du sẽ hứng thêm hàng trăm triệu mét khối nước từ thượng nguồn đổ về, Hà Tĩnh sẽ ngập sâu hơn nữa.
"Việc điều hành xả lũ có sự thống nhất từ nhiều cấp, các đơn vị liên quan làm đúng quy trình và trách nhiệm", ông Sơn nói.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Thái, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, cho hay lũ năm nay ở Hà Tĩnh 200 năm mới xảy ra một lần. Trước một số ý kiến cho rằng hồ Kẻ Gỗ góp phần gây ngập lụt, ông Thái dẫn số liệu kiểm tra sáng 18/10, lúc trời bắt đầu mưa và hồ Kẻ Gỗ chưa xả lũ, vệ tinh đo được phạm vi ngập là 18.000 ha, lúc này chỉ mưa ở hạ du đã gây ngập phạm vi rất lớn. Giả sử không xây dựng công trình này để điều tiết lũ, diện tích ngập 50.000 ha.
"Sắp tới, lượng mưa đổ về hồ khác nhau, tỉnh cần có tính toán kịch bản hợp lý nhằm đảm bảo an toàn; phải đặt trạm đo mưa lòng hồ để phục vụ công tác dự báo. Hiện Hồ Kẻ Gỗ chưa có, cần bổ sung trạm đo mưa ở thượng lưu để việc vận hành hồ an toàn hơn", Giáo sư Thái kiến nghị.
Trả lời câu hỏi của VnExpress ứng phó thế nào nếu phải phá tràn sự cố, ông Trần Duy Chiến, Phó chi cục trưởng thủy lợi Hà Tĩnh, nói có 5 phương án trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, ông chỉ nêu một, đó là: "Nếu hồ Kẻ Gỗ có nguy cơ vượt ngưỡng tràn ở cao trình 45 m cần có lệnh cảnh báo di dời dân để đảm bảo an toàn tính mạng", bỏ ngỏ các phương án còn lại.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết, theo tính toán, sắp tới bão Saudel nếu đổ bộ vào Hà Tĩnh, lượng nước về hồ khoảng 30 triệu m3 và không phải xả lũ.
Sáng 24/10, nước trong hồ Kẻ Gỗ đạt cao trình 30,8 m, dung tích tương ứng 297 triệu m3, ở ngưỡng bình thường. Đơn vị vận hành đang xả tràn ở mức 150 m3/s, dự kiến 22h cùng ngày mực nước xuống cao trình quy định 30,5 m.
Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, gồm một đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m3, là một trong những hồ đập lớn nhất cả nước. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
13h ngày 18/10, Hà Tĩnh mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn để tránh mất an toàn hồ đập. Lúc này, mực nước trong hồ ở cao trình 29,36 m, lưu lượng xả xả từ 100 m3 cho đến 250 m3 mỗi giây.
Đến sáng 19/10, khi mực nước hồ Kẻ Gỗ dâng lên 33,8 m, vượt so với ngưỡng an toàn 32,5 m, tỉnh Hà Tĩnh đã tính tới phương án dự phòng là phá tràn hồ.
Từ lúc vận hành năm 1979 đến nay, hồ chưa lần nào phải phá tràn sự cố, đây là lần đầu tiên tính tới phương án phá tràn.
Đợt mưa lũ vừa qua, Hà Tĩnh ghi nhận 6 người chết, 118 xã bị ngập với tổng số 42.456 hộ và hơn 151.200 người. Ngoài ra, 132 ha lúa mùa, hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại. Nhiều công trình giao thông ở huyện Kỳ Anh, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh hư hỏng.