UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức họp đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường học mới VNEN. Sau khi nghe báo cáo, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế, Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh thống nhất dừng triển khai mô hình trường học VNEN đối với bậc THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học mới 2017-2018.
Đối với bậc Tiểu học, tỉnh không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Với những lớp đang học chương trình này, tỉnh giao chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tổng số học sinh mỗi lớp học không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học đáp ứng quy định Bộ Giáo dục; giáo viên phải được tập huấn, đủ tiêu chuẩn dạy VNEN.
Nếu các lớp ở bậc này đủ điều kiện nêu trên, nhà trường sẽ lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên, tổ chức hội nghị bỏ phiếu kín. Đối với các lớp học đạt 2/3 phiếu đồng ý theo các tiêu chí vừa nêu, cấp trên phải báo cáo Sở Giáo dục cho phép tiếp tục triển khai mô hình VNEN.
Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan lựa chọn những thành tố tích cực, ưu điểm của mô hình VNEN, vận dụng đưa vào chương trình ngoại khóa giảng dạy trong các trường học vào thời gian tới.
Mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Nhiều trường nhận thấy mô hình có bất cập nên đề xuất xin bỏ mô hình và được chấp thuận như THCS Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh).
Tháng 7/2016, tỉnh Hà Tĩnh thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN, chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, trường đã thí điểm trong các năm học trước, đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các cá nhân trong công tác tham mưu, triển khai đại trà mô hình này.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Sau khi triển khai mô hình này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh Việt Nam đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đa số giáo viên "than" gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của nhiều học sinh. |