Đây là bệnh nhi đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động trong điều trị cấp cứu bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ (HIE) tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ. Bé vừa chào đời đã bị bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ, mê, co gồng toàn thân, tứ chi tím lạnh, mạch chậm, đầu có bướu huyết thanh to, thóp phồng nhẹ.
Tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ phải hồi sức tích cực tim phổi, đặt nội khí quản, bóp bóng qua khí quản. Hội chẩn viện, bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động cho bé bằng phương pháp làm lạnh bề mặt liên tục toàn thân trong 72 giờ. Biện pháp này giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, cải thiện tiên lượng lâu dài. Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp bằng không khí áp lực dương, nuôi ăn qua tĩnh mạch hoàn toàn và truyền kháng sinh.
Theo dõi trong suốt thời gian hạ thân nhiệt cho thấy bệnh nhi đáp ứng điều trị tốt, ổn định hô hấp và huyết áp, giảm co gồng. Sau 72 giờ làm lạnh để cấp cứu, cơ thể em bé được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường khoảng 36,5-37 độ C. Hiện tại bệnh nhi đã tỉnh, tứ chi cử động tốt, mạch rõ, thở đều, tự thở.
Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng khoa Sơ sinh, giải thích bệnh não sơ sinh thiếu oxy, thiếu máu cục bộ (HIE) là tình trạng thiếu oxy trước, trong hoặc ngay khi sinh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này dẫn đến thiếu oxy và giảm lưu lượng máu đến não gây ra bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ. Bệnh dễ gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề khiến trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
Lợi ích của phương pháp hạ thân nhiệt chủ động ở trẻ bị bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ đã được chứng minh trong những thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở Mỹ, Australia và châu Âu. Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng não ở trẻ từ 18 đến 22 tháng tuổi. Bác sĩ khuyến cáo việc hạ thân nhiệt chủ động áp dụng cho trẻ ngay sau sinh, trước 6 giờ tuổi mới có hiệu quả. Bệnh nhi cần tái khám sau 2, 6, 12, 18 tháng tuổi để theo dõi sự phát triển tâm thần vận động và tập vật lý trị liệu.