Tại hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (vốn ODA) năm 2020 mới đây, lãnh đạo Hà Nội và TP HCM nêu lên nhiều vướng mắc về vốn với dự án đường sắt đô thị. Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn vướng về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Ngoài ra, dự án này gặp khó liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp, không giải ngân được kế hoạch vốn ODA cấp phát đã giao.
Với dự án tuyến đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội, theo ông Toản còn vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 - hệ thống thẻ vé. Nguyên nhân chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp nên không thực hiện được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và thành phố.
Ngoài ra, theo ông Toản dự án này còn vướng về thời hạn rút vốn cuối cùng của khoản vay CVN 3001-05C của AFD.
Vì vậy, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh chủ trương dự án tuyến đường sắt đô thị số 2. Đồng thời ông đề xuất bộ này bố trí vay vốn nước ngoài cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Với tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, lãnh đạo Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chuẩn bị các nội dung để ký hợp đồng vay lại với thành phố ngay sau khi Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro được ký nhằm tạm ứng cho gói thầu số 9.
Tương tự, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP HCM chia sẻ, địa phương này đang trình Thủ tướng điều chỉnh thời gian triển khai dự án, thẩm định điều chỉnh lại thiết kế cơ sở của tuyến Metro số 1 và 2. Hiện hai dự án này mới được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn và tổ chức đấu thầu, nhưng một số gói thầu đã bị hủy, phải tổ chức đấu thầu lại.
Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn tới phải đàm phán lại hợp đồng đã ký để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại tuyến Metro số 2 diễn ra khá chậm.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể vào làm việc tại TP HCM, nhất là các gói thầu ngắn hạn cần có sự tham gia của những chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.
Đề xuất giải pháp, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho rằng, Bộ Tài chính cần có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất giá trị vốn vay ODA với dự án Metro số 1. Trong đó, Bộ Tài chính chấp thuận để TP HCM được hoàn vốn đã ứng trước cho dự án với giá trị hơn 4.419 tỷ đồng.
Với dự án Metro số 2, bà Hà đề xuất Bộ Tài chính xem xét gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 30/12/2026 và điều chỉnh lịch trả nợ với hai khoản vay của Ngân hàng thế giới (WB) đến ngày 30/9/2027. Đồng thời, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án làm cơ sở để ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án.
Phản hồi kiến nghị của lãnh đạo TP Hà Nội, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện thủ tục liên quan tới dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được ký kết. Ông đề nghị Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại xem xét, sao gửi các hiệp định để chuyển cho Hà Nội làm căn cứ thực hiện.
Với dự án Metro số 1, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, TP HCM cần kết hợp với Bộ Tài chính và nhà tài trợ vốn vay để được hoàn lại phần vốn đã ứng.
Riêng phần vốn vay lại thuộc tổng mức đầu tư ban đầu, TP HCM sẽ chịu trách nhiệm vay lại phần thiết bị - phương tiện giao thông vận tải, phương tiện khai thác nhà ga. Còn phần cơ sở hạ tầng sẽ sử dụng nguồn vốn được Chính phủ vay từ nước ngoài để cấp phát cho địa phương. Với phần tổng mức đầu tư tăng thêm, TP HCM sẽ phải vay lại 100%.
"Tổng mức cấp phát là 70,8 tỷ yen Nhật, tương ứng 67,5% tổng vốn vay theo quyết định ban đầu. Còn lại 34,1 tỷ yen Nhật là phần vốn cho vay lại", ông Hà nói.
Với những đề xuất liên quan tới dự án Metro số 2 và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, ông Hà cho biết cần trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hoàng Thắng