Sở Công Thương thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ quan Công an, Cục Thuế thành phố, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Chi cục Quản lý thị trường cùng UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của 21 công ty.
Các doanh nghiệp trong danh sách lần này gồm: Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư UFC Việt Nam (tên cũ Công ty TNHH Ánh sang T.I.A.N.S.H.I); Công ty TNHH Trung Bảo Anh Quốc Việt Nam (tên cũ Công ty TNHH Thương mại điện tử quốc tế); Công ty TNHH Thương mại AKUNA Việt Nam; Công ty TNHH Tầm nhìn Việt Nam; Công ty TNHH Thiên Phương Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thiên Sứ Xanh….
Trong số này, có 13 trường hợp đã thông báo chấm dứt hoạt động với Sở Công Thương (tính đến 28/4), 8 đơn vị còn lại vẫn kinh doanh dù chưa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Vì thế, cơ quan này đề nghị các đơn vị kiểm tra, giám sát đối với cả 21 doanh nghiệp trên. “Nếu phát hiện doanh nghiệp vẫn triển khai hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm", văn bản yêu cầu.
Năm 2015, Sở đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 17 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với số tiền hơn 1.560 tỷ đồng. Đa số các vi phạm là bán hàng đa cấp khi chưa có giấy phép. Cơ quan quản lý cũng thừa nhận hiện chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo, trục lợi. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp hạn chế đối với hoạt động này, nhằm tránh những biến tướng, lừa đảo.
Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Phương Nam – Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này đang đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 về kinh doanh bán hàng đa cấp theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh này. Dự kiến cuối tháng 5/2016 bản dự thảo sửa đổi Nghị định này sẽ được Bộ hoàn thành.
Anh Minh