Theo báo cáo nghiên cứu khả thi mới được Chủ tịch TP Hà Nội phê duyệt, trong số đất thu hồi có 796 ha thuộc chỉ giới đường đỏ, 15 ha hoàn trả kênh mương nội đồng, hệ thống điện cao thế, vuốt nối đường hiện hữu và gần 40 ha xây dựng các khu tái định cư.
Thành phố sẽ xây dựng 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện. Trong đó huyện Mê Linh xây 3 khu ở các xã Văn Khê, Đại Thịnh và Chu Phan. Huyện Đan Phượng xây 2 khu ở xã Hạ Mỗ và Hồng Hà.
Huyện Hoài Đức xây 2 khu tái định cư tại xã Đức Thượng và Đông La. Huyện Thanh Oai xây 2 khu ở Cự Khê và Tam Hưng. Huyện Thường Tín xây 4 khu tái định cư ở các xã Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (chủ đầu tư vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội), có hơn 800 hộ phải tái định cư, trong đó Mê Linh gần 300 hộ; Đan Phượng 115 hộ; Hoài Đức 115 hộ; Hà Đông 53 hộ; Thanh Oai 40 hộ; Thường Tín 201 hộ.
Toàn thành phố có 11.000 mộ, 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV) cần di dời.
Tổng đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 11.000 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế 530 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư 960 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể hơn 7 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án 611 tỷ đồng.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, chia làm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Võ Hải