Nghị quyết được thông qua hôm 20/9. Theo đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến.
Việc triển khai dự án phải có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện theo đúng pháp luật về đầu tư công, đối tác công - tư (PPP)... Trong đó, lưu ý lựa chọn nhà đầu tư PPP có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm.
Hà Nội sẽ cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030); đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế khác nhằm huy động nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, tuyến đường khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn...
Đường vành đai 4, vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết 10 năm trước, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay chưa triển khai.
Theo quy hoạch, đường đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài khoảng 98 km (qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km).
Võ Hải