Năm 1980, John Ramsden đặt chân tới Hà Nội với tư cách là một nhà ngoại giao trẻ - Phó đại sứ Anh tại Việt Nam. Với niềm đam mê hội họa và nhiếp ảnh, ông đi khắp nẻo phố phường thủ đô và các vùng lân cận để ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.
Hà Nội trong mắt John Ramsden lúc đó là một thành phố nghèo, cuộc sống người dân hết sức khó khăn, nhưng lại mang vẻ đẹp mộc mạc của một vùng đất đang hồi phục sau chiến tranh. Ramsden đã chụp gần 2.000 bức ảnh về Hà Nội cho tới năm 1983, khi ông chuyển công tác sang nước khác. Lục tìm lại những tấm ảnh cũ, ông cảm thấy kho ảnh của mình chứa đựng một phần không khí đặc biệt của một thời xa xôi.
Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, John Ramsden đã tổ chức một triển lãm ảnh nhỏ tại bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Anh. Các bức ảnh của Ramsden cũng được đề cử trong giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013.
Triển lãm Mảnh đất hóa tâm hồn chỉ trưng bày 117 bức ảnh trong kho ảnh về Hà Nội của Ramsden. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã chú thích cặn kẽ từng chi tiết trên mỗi bức ảnh. Nhờ thế, triển lãm khơi gợi những ký ức thân thương của người Hà Nội về thời bao cấp. Có lẽ khi chụp những bức ảnh này, nhà ngoại giao đã không nghĩ có ngày nó trở thành những tư liệu quý giá như vậy. Nếu các tấm bưu ảnh cổ chụp từ thời Pháp thuộc thể hiện một Hà Nội trong giai đoạn đầu của cuộc sống hiện đại, thì những tấm hình của John Ramsden là chứng tích của một thời đất nước vừa ra khỏi chiến tranh.
Những con phố trong ảnh của Ramsden cho thấy đường phố xá Hà Nội lúc đó dù nhỏ, song vẫn thông thoáng, bởi phương tiện giao thông chủ yếu là xe thô sơ và ít người buôn bán trên vỉa hè. Ramsden chụp nhiều hình ảnh người già mưu sinh trên phố, bởi lúc đó những thanh niên trai tráng vẫn còn ngoài mặt trận ở biên giới hay trên các công trường xây dựng.
Những bức ảnh của Ramsden đều mang trong mình giá trị lịch sử lớn về một giai đoạn phát triển của Hà Nội. Trong một bức ảnh chụp phố Tạ Hiện, một cửa hàng ăn có biển hiệu ghi “Đặc sản” mà không giới thiệu món ăn hay thương hiệu nhà hàng. Điều này là do thời bao cấp, người Hà Nội e ngại quảng cáo, sợ bị coi là làm ăn lớn. Trong một bức ảnh, Ramsden chụp hàng dãy dài những chiếc thùng gợi lại ký ức thiếu nước một thời. Hay bức ảnh chụp những bếp than và các thùng phuy nước tại các “tổ phục vụ” bán nước sôi cho thấy nguồn nước và chất đốt khan hiếm tới mức nào…
Bên cạnh những cảnh, cuộc sống khó khăn thời đó, Ramsden còn có nhiều tấm hình ghi lại nét đẹp của thành phố. Đó là những món quà, món đồ chơi ngày Tết Trung thu rất giản dị, làm thủ công mà hết sức đẹp và khéo léo, là vẻ đẹp phố cổ trong bức hình chụp góc phố Hàng Bạc với căn nhà có lan can ban công, song cửa sổ… trang trí bằng kim loại uốn. Đó còn là hình ảnh của hai cây đa trước đình Thanh Hà ở phố Ngõ Gạch với hình ảnh cành lá um tùm ghi lại chứng tích của một thành phố lâu đời.
Ramsden cũng cho trưng bày trong triển lãm một bức chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái mà ông chụp (Ramsden có khá nhiều bức ảnh chụp Bùi Xuân Phái cũng như ngôi nhà của danh họa và những góc phố mà ông đi theo danh họa để cùng sáng tác).
Trở lại Hà Nội sau 30 năm để làm triển lãm này, Ramsden cho biết ông rất xúc động và bất ngờ. “Hà Nội đã thay đổi tới kinh ngạc. Sự thay đổi đó là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi. Thành phố ngày nay vẫn có sức hấp dẫn với tôi, và chắc chắn còn có nhiều góc chụp chờ tôi tìm đến”, Ramsden nói.
Triển lãm John Ramsden và Hà Nội: Mảnh đất hóa tâm hồn tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài từ ngày 19/10 tới hết ngày 26/10.
Hiền Đỗ
Ảnh: John Ramsden