Triển lãm Việt Nam 80-00 khai mạc chiều 4/1 tại Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội.
Eva Lindskog sang Việt Nam từ những năm 1980 và gắn bó với đất nước này từ đó đến nay. Với chiếc máy ảnh du lịch, bà đi khắp nơi, ghi lại những hình ảnh thân quen với người bản địa nhưng lại rất lạ lẫm với một người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở một đất nước phát triển. Ảnh của bà là những người ngồi lổn nhổn trên cả nóc tàu, một gánh phở đẩy giản dị, một góc tranh Tết ảm đạm... Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: "Là người Việt Nam, ngay chính tôi cũng ngạc nhiên và xúc động khi ngắm nhìn những khuôn mặt con người và các cảnh trí của Việt Nam thời bao cấp ấy. Tất cả đều hồn nhiên, đều gần như không có âu lo, không có dục vọng nào ghê gớm khiến người ta phải e ngại".
Tươi màu và đa sắc hơn những bức ảnh của Lindskog, Lê Thiết Cương ghi lại cuộc sống Việt Nam ở một thế kỷ mới với nhưng vẫn chưa dứt khỏi những đường nét cũ. Dấu ấn của những ngày chưa xa vẫn còn đọng lại trong nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân.
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết tháng 1.
Người Hà Nội mua bán trong thời bao cấp. Ảnh: Eva Lindskog. |
Một góc tranh Tết những năm 1980. Ảnh: Eva Lindskog. |
Lễ rước dâu trên phố Cầu Giấy năm 1982. Ảnh: Eva Lindskog. |
Chợ trung thu năm 1987... Ảnh: Eva Lindskog. |
... và một góc Trung thu năm 2003. Ảnh: Lê Thiết Cương. |
Hà Nội những năm đầu đổi mới, những chiếc áo in hình đồng tiền Mỹ bắt đầu xuất hiện. Cạnh đó, một ông cụ vẫn cặm cụi sản xuất hàng để bán... Ảnh: Eva Lindskog. |
Đến năm 2007, hàng ngoại, rượu Tây đã tràn vào Việt Nam, lên đến cả những vùng đất xa xôi như Sa Pa. Ảnh: Lê Thiết Cương. |
Người Việt Nam thời bao cấp đi tàu: họ ngồi bất cứ nơi đâu, kể cả nóc toa và dưới gầm tàu. Nhà nhiếp ảnh chú thích, tàu thời đó chạy rất chậm. Ảnh: Eva Lindskog. |
Trang sức trên người bà cụ H'Mông này không phải là vàng bạc mà là dây điện, dây đồng, dây nhôm uốn cong. Nhà nhiếp ảnh bình luận: "Thế mới biết trang sức là nhu cầu muôn thủa của con người". Ảnh: Lê Thiết Cương. |
Lưu Hà