3 năm nay, kể từ khi có tiền xu, Ngân hàng Trung ương đã dừng hẳn việc in tiền cotton mệnh giá tương đương. Nhưng nay lượng tiền cotton trong lưu thông đã cũ nát, tiền xu cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây tuyên bố sẽ in lại tiền cotton mệnh giá nhỏ, phần để hợp lý hóa cơ cấu tiền trong lưu thông, phần để đáp ứng nhu cầu tiêu dịp Tết.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho hay đến tận sáng 31/1 (tức 14 tháng Chạp âm lịch) vẫn chưa có thông tin gì về việc nhận tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ. Tình hình năm nay có vẻ căng thẳng hơn mọi năm, vì vậy, năm nay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ không lập quầy đổi tiền lẻ cho dân. "Nếu có ít nào, chỉ ưu tiên chi cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn, với cơ cấu bao gồm cả mới cả cũ, cả to cả nhỏ, tùy vào lượng có ở trong kho", bà Sương nói thêm.
![]() |
Đổi tiền lẻ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhân viên quan hệ công chúng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thủ đô đang lo ngay ngáy vì nhiều đối tác nhờ đổi, nhưng kho quỹ ở đơn vị mình vẫn chưa có tiền mới. Một cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiết lộ: "Chắc cũng chỉ có tiền 10.000 polymer là dễ đổi, chứ tiền cotton không thể. Đến mình là người nhà, đổi ngay ở ngân hàng mình cũng không được. Có lẽ phải qua quan hệ với bạn bè ở Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh may ra mới có".
Vị cán bộ này cho biết, theo lệ, việc phân phối tiền không phải theo ngành dọc, tức là từ Ngân hàng Trung ương rót về cho ngân hàng thương mại rồi ngân hàng thương mại phân cho các chi nhánh của mình, mà Ngân hàng Trung ương rót xuống cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, từ đó đổ về chi nhánh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. "Vì vậy, nhiều khi hội sở chính cũng không có nhiều tiền lẻ như các chi nhánh của mình. Đôi khi tôi phải gọi điện xuống các chi nhánh đề nghị giúp hội sở chính một ít để đổi cho khách hàng ruột".
Cán bộ một ngân hàng quốc doanh có mối quan hệ ở Nhà máy In tiền Quốc gia cũng xác nhận: "Năm nay căng hơn nhiều mọi năm. 10.000 đồng cotton mới chắc chắn không có. May ra có loại 2.000 đồng và 500 đồng".
Trong khi tại Hà Nội chưa nhận được tiền mới, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Trần Ngọc Minh cho biết đã có tiền mới về kho từ mấy hôm nay. "Không rõ là tiền mới in năm nay, hay là tiền mới nhưng in từ mấy năm trước. Đa phần đều là loại 2.000 đồng và 1.000 đồng. Chúng tôi bắt đầu chi cho các kho bạc và ngân hàng thương mại có yêu cầu tiền lẻ. Cố gắng đáp ứng nhu cầu tiền lẻ Tết trên địa bàn TP HCM", ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết sẽ phân phối tiền qua kênh kho bạc và ngân hàng thương mại, chứ không đổi trực tiếp cho dân chúng. "Trong trường hợp căng thẳng quá, sát Tết, dân vẫn có nhu cầu, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết".
Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương chi nhánh TP HCM (VCB TP HCM) cho biết thông thường mọi năm VCB TP HCM nhận được khoảng 20 tỷ đồng tiền mới. "Số lượng này rất ít so với nhu cầu của người dân. Đó là chưa kể đến chuyện chúng tôi phải quan hệ với các chi nhánh ngân hàng tỉnh khác. Vì vậy, chúng tôi chỉ ưu tiên đối cho các khách hàng có giao dịch tại ngân hàng mà thôi". Ông cho biết thêm hiện tại đã có rất nhiều người dân đến liên hệ đổi tiền nhưng trước Tết 10 ngày ngân hàng mới bắt đầu tiến hành đổi.
Đại diện Sacombank cũng khẳng định chỉ ưu tiên đổi tiền mới cho khách hàng có quan hệ làm ăn với ngân hàng này. Mọi năm, tiền mới thường rót về ngân hàng 1 tháng trước Tết, nhưng đến thời điểm này Sacombank vẫn chưa nhận được. "Ngân hàng Nhà Nước thường phân bổ lượng tiền này rất ít nên ngân hàng không thể đáp ứng đủ cho người dân", vị đại diện này cho biết.
Chợ đổi tiền được dịp làm ăn
Khó đổi tiền mới tại ngân hàng là tin không vui với dân chúng, song lại là cơ hội cho những người chuyên làm nghề đổi tiền. Ngay từ đầu tháng, các khu vực đền chùa trên địa bàn Hà Nội đã trưng biển đổi tiền, tỷ lệ thấp cao phụ thuộc vào mệnh giá và độ mới của tờ bạc. Chẳng hạn tiền cotton mệnh giá nhỏ 500, 200, 2.000, 5.000 đồng sẽ đắt hơn tiền mệnh giá cao.
Dọc theo lối vào Phủ Tây Hồ, từng chiếc tủ kính dành để trưng bày tiền lẻ đã được kê ngay bên cạnh đồ lễ. Bất kể ai đi qua cũng có thể nghe được những tiếng mời chào: "Đổi tiền đi anh chị ơi 100 ăn 70. Năm nay tiền khan hiếm, giáp Tết không có mà đổi đâu".
Bà Chiểu, người có thâm niên đổi tiền 5 năm nay ở khu vực Phủ Tây Hồ cho hay làm dịch vụ này một vốn bốn lờn hàng không bao giờ sợ ế hàng. Năm nay còn thừa thì tích sang năm sau, nhu cầu của tín đồ đi lễ lúc nào cũng nhiều. Để có được "hàng hiếm, hàng độc" (tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng và 500 đồng), thông thường bà Chiểu phải nhờ cậy vào hai cô con dâu làm nghề bán hàng ăn tích góp dần. Những đồng tiền lẻ mới được hai cô dâu con tích lại về đổi cho mẹ, bà Chiểu lại ép cẩn thận cho phẳng, buộc từng cọc để mang ra thị trường bán. Cứ thế, tiền quay vòng từ năm này sang năm khác, khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không in thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ, hàng của bà vẫn rủng rỉnh.
Chị Hường, một người chuyên đổi tiền ở khu vực này lại phải "đặt vấn đề" với một số vị sư chủ trì trong chùa xin đổi số tiền mà các tín đồ đặt lễ. Sau ngày Rằm, Mùng 1 hằng tháng, tiền lẻ nhiều có khi tới hàng thúng. Bằng kinh nghiệm của mình, chị Hường cho hay tiền 200 đồng bao giờ cũng được được các tín đồ ưa chuộng nhất khi đi lễ đầu năm, nên đây cũng là loại mệnh giá có tỷ lệ đổi "cắt cổ" nhất với 80 ăn 20, hoặc 70 ăn 20. Tức là một cọc tiền 200 đồng tương ứng với 20.000 đồng, khách phải bỏ ra tới 70.000 đồng, mất đứt 50.000 đồng. Nếu khách chấp nhận tiền đã qua sử dụng thì tỷ lệ 50-50, đổi 40.000 được một cọc 20.000.
Năm nay, khu phố đổi tiền Đinh Lễ có vẻ trầm lắng hơn vì lượng hàng khan hiếm. Đội quân đổi tiền tại đây năm nay hoạt động kín đáo hoặc tản về các khu vui chơi giải trí, chùa chiền.
Nhóm phóng viên