Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, theo Luật Kiến trúc.
Sở Quy hoạch Kiến trúc cho hay, hôm 28/9 Sở đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đơn vị liên quan để bàn tiếp tục tuyển chọn hay tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI) nghiên cứu đề xuất các phương án kiến trúc cầu là chưa hợp lý mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín, kể cả quốc tế.
Bên cạnh đó, do vị trí, vai trò cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt nên phải tạo điểm nhấn về kiến trúc. Cụ thể, kiến trúc cầu cần mang tinh thần mới, trở thành biểu tượng của thời đại; giàu bản sắc trong thời kỳ phát triển mới, hướng tới tương lai...
"Cây cầu nên trở thành biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, không nên lặp lại phong cách kiến trúc kiểu Pháp hay Đông Dương...", đại diện Hội nêu quan điểm và đề xuất Hà Nội hai phương án.
Thứ nhất là tổ chức thi tuyển rộng rãi (thời gian khoảng 2,5 tháng và có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế); hai là nếu tiếp tục tuyển chọn thì mời các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế đề xuất thêm phương án.
Từ ý kiến trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất thành phố tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Việc thi tuyển sẽ thu hút nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo của nhiều đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế. Điều này làm cơ sở cho Hội đồng chấm tuyển có nhiều lựa chọn phương án tối ưu, đáp ứng mong muốn của dư luận, phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó tháng 8, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo gồm nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, nhà quản lý của UBND TP Hà Nội đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án kiến trúc cầu do TEDI nghiên cứu. Phương án 3 được nhiều thành viên lựa chọn nhất với 13/15 phiếu tán thành.
Việc đề xuất 3 phương án Trần Hưng Đạo đã gây ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia kiến trúc cho rằng các thiết kế còn "rời rạc, chắp vá, sao chép", đề nghị tổ chức thi tuyển phương án thiết kế theo Luật Kiến trúc.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm vào khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A).
Chiều dài tuyến (gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng, khổ thông thuyền sông cấp II, tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75 m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.
Ngoài cầu Trần Hưng Đạo, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cũng được giao tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc các cầu Tứ Liên, Mễ Sở và Giang Biên.
Theo quy hoạch giao thông đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện nay đã có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Trong quy hoạch sẽ có thêm 10 cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).
Võ Hải